Trợ giúp xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội

VIỆT HÙNG 05:42, 05/08/2024

Với việc thực hiện đồng bộ chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện đảm bảo các mục tiêu trợ giúp xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, phát triển bền vững của địa phương.

Các hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn
góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Các hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Trên cơ sở chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội của Nhà nước, các quy định, hướng dẫn của Trung ương, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có trên 37.000 đối tượng được nhận trợ cấp. Tính riêng năm 2023, số đối tượng nhận trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng và trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội là 37.110 người với tổng kinh phí thực hiện trên 221 tỷ đồng; hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho 31.198 đối tượng với kinh phí trên 26 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất cho 1.652 hộ gia đình với kinh phí trên 2 tỷ đồng... 

Đối với hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 14 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đang thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người tâm thần; có 2 trường chuyên biệt nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật và hơn 20 cơ sở trợ giúp xã hội với quy mô nhỏ. Toàn tỉnh có 1.109 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội, với tổng kinh phí hoạt động bình quân 10 tỷ đồng/năm.

Về trợ giúp khẩn cấp, thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP, giai đoạn 2021-2023 và để kịp thời hỗ trợ người dân, hộ gia đình gặp rủi ro, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, nguồn lực vật chất tại chỗ, chỉ huy tại chỗ để hỗ trợ kịp thời cho hộ gia đình gặp hoạn nạn. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1.500 lượt hộ gia đình được hỗ trợ khẩn cấp với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành Quyết định về phê duyệt chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do đại dịch để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác của địa phương. Theo đó có trên 121.500 đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền gần 182 tỷ đồng, chủ yếu là người có công gặp khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do, lao động của tỉnh thực sự gặp khó khăn ở các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, người điều trị COVID-19, cách ly y tế…

Ngoài ngân sách nhà nước, tỉnh Lâm Đồng cũng huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện trợ giúp xã hội. Các địa phương vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho nhóm đối tượng khó khăn, bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, hàng năm tỉnh Lâm Đồng đều thực hiện đảm bảo công tác chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng theo quy định; tổ chức thăm và tặng quà đối với người cao tuổi tiêu biểu, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng hành động vì người cao tuổi; tổ chức thăm, tặng quà đối với người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương trong tỉnh nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam, Ngày Quốc tế Người khuyết tật; tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em... với kinh phí vận động bình quân 18 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách Bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức trợ cấp xã hội tính đến thời điểm năm 2023 chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, độ bao phủ của trợ giúp xã hội còn hạn chế, còn một bộ phận người dân khó khăn chưa được thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế...

Để chính sách trợ giúp xã hội ngày càng hoàn thiện, đảm bảo an sinh toàn diện, thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đặc biệt đối với các vùng, miền có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... trước hết cần rà soát, phát hiện những vướng mắc, hạn chế, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách trợ giúp xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù; tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người dân, trong đó chú trọng các giải pháp khuyến khích người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp, mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng nhằm thực hiện chính sách về trợ giúp xã hội kịp thời, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế. Có chính sách huy động, kết nối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư nâng cấp hoặc mở rộng, xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội...