UBND tỉnh Lâm Đồng hỏa tốc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa

PV 11:12, 10/08/2024

(LĐ online) - Ngày 10/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học động viên các hộ dân chăn nuôi bò tại huyện Đơn Dương cùng triển khai các giải pháp chống dịch, đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Diễm Thương

Theo đó, ngày 9/8/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng; đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) và một số doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương (Vinamilk, Dalat Milk) để nghe báo cáo và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng. Dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và đồng chí Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng báo cáo; ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp; tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ý kiến phát biểu về chuyên môn của đồng chí Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Đến thời điểm hết ngày 09/8/2024, đã có trên 3.917 con bò (bê và bò sữa) của 202 hộ thuộc 6 xã của huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng bị bệnh tiêu chảy; trong đó, có 172 con bò sữa bị chết do tiêu chảy. Hiện Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh từ 4 yếu tố: Nguồn lây bệnh, thời tiết môi trường, thể trạng bò sữa, vắc xin.

Trước tình hình nêu trên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Đơn Dương, Đức Trọng đã quyết liệt, nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, như: hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; phân công lực lượng thú y đến từng hộ chăn nuôi có gia súc bị tiêu chảy để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tạm dừng việc tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh nhằm xác định nguyên nhân chính xác để có phác đồ điều trị phù hợp; Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương.

TRIỂN KHAI ĐẨY ĐỦ, KỊP THỜI NHỮNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Nhận định trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan, số bò chết tiếp tục tăng. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện: Đơn Dương và Đức Trọng tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm như sau:

-Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương tăng cường trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia, nhà khoa học,... khẩn trương áp dụng các biện pháp tốt nhất, cần thiết nhất, phù hợp nhất để nhanh chóng xác định nguyên nhân và có giải pháp, biện pháp tập trung cứu chữa đàn bò đang bị bệnh, không để bò tiếp tục chết hoặc giảm thiểu tối đa số lượng bò bị chết. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ đàn bò khỏe mạnh, không để tiếp tục lây lan dịch bệnh.

-Nghiên cứu nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho đàn bò sữa bằng các biện pháp, như: cung cấp đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh, bổ sung các loại vitamin, chất điện giải,... để chống mất nước và hạn chế tiêu chảy.

-Thực hiện ngay các biện pháp cách ly bò bị bệnh với đàn khỏe, chưa bị nhiễm bệnh; tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phun hóa chất, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy để ngăn chặn nguồn lây nhiễm bệnh.

-Xử lý, chôn lấp bò bị chết do tiêu chảy theo đúng quy định để không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển, giết mổ động vật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “bán chạy” bò bị bệnh cho thương lái, các lò giết mổ; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, nhất là trâu, bò có nguy cơ bị bệnh.

-Tổ chức các đoàn đến hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền, động viên các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ có gia súc bị bệnh, bị chết chủ động cung cấp thông tin để người dân an tâm, không hoang mang và tích cực phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, điều tra xác định nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên đàn bò.

-Quan tâm ổn định tình hình và nghiên cứu phương án, chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đối với các gia đình có bò bị bệnh, bị chết, nhằm ổn định đời sống và tinh thần cho người dân.

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương:

-Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn có hộ chăn nuôi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chữa trị kịp thời các triệu chứng ban đầu để tăng sức đề kháng cho đàn bò; hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

-Xuất ngay hóa chất, vật tư thú y đang dự trữ cho huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy để tránh nguồn lây nhiễm bệnh và đảm bảo môi trường tốt nhất cho đàn bò.

-Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện phác đồ điều trị bò bị bệnh ngay khi có thuốn nghi của Cu Thú y - Bộ Nông nghiên và phát triển nông thôn.

-Đề nghị Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương và Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn các hộ chăn nuôi về các biện pháp, cách thức cụ thể nhằm nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho đàn bò sữa và tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục (từ chế độ ăn đến các điều kiện chăm sóc).

-Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình và cập nhật chính xác, thống nhất số liệu báo cáo hàng ngày theo quy định, cụ thể: thống kê đầy đủ số liệu về tổng đàn, số bò đã tiêm các loại vắc xin viêm da nổi cục, số bò bị bệnh, số bò chết phát sinh hàng ngày và lũy kế đến thời điểm báo cáo; số bò phục hồi sau điều trị; thời điểm báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước 08 giờ và 15 giờ hàng ngày.

-Tham mưu UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho những hộ dân có bò sữa bị mắc bệnh, bị chết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 13/8/2024; đồng thời, gửi Sở Tài chính để thẩm định, tham mưu.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Đức Trọng và Đơn Dương:

-Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa để có phương án xử lý phù hợp và ổn định tình hình, tuyệt đối không chủ quan, lơ là để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, bình tĩnh, đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ và tích cực hợp tác cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

-Huy động và phân công lực lượng thú y đến từng hộ có gia súc bị bệnh để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cách ly gia súc bị bệnh; điều trị sớm gia súc đã xuất hiện triệu chứng bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh phổ rộng, mẫn cảm với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kết hợp các loại thuốc khác để điều trị tiêu chảy; các loại vitamin, chất điện giải để tăng cường sức đề kháng, chống mất nước và hạn chế tiêu chảy cho đàn bò sữa.

-Giám sát, hỗ trợ việc xử lý, tiêu hủy bò bị bệnh theo đúng quy định; tuyệt đối không để bán chạy bò bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã để tránh lây lan bệnh ra bên ngoài.

-Huy động hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, từ huyện, xã đến thôn, tổ dân phố, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, cơ quan chuyên môn trực tiếp đến các hộ chăn nuôi có bò bị bệnh để hỗ trợ, hướng dẫn điều trị, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, cách ly nguồn lây nhiễm bệnh nhằm khống chế dịch bệnh và ổn định đời sống Nhân dân.

-Tổ chức ngay việc cấp phát hóa chất, vật tư thú y để các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy để tránh nguồn lây nhiễm bệnh và đảm bảo mỗi trường tốt nhất cho đàn bò.

-Tạm dừng ngay việc sử dụng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương để chờ kết quả kiểm tra, kết luận của cơ quan chức năng. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thu giữ toàn bộ vỏ lọ vaccine viêm da nổi cục đã dùng hết, các lọ vaccine chưa dùng hết và vaccine chưa sử dụng, bảo quản, niêm phong cẩn thận để phục vụ lấy mẫu phân tích, xét nghiệm, xác định nguyên nhân.

-Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình và cập nhật chính xác, thống nhất số liệu báo cáo hàng ngày về tình hình dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

-Thành lập Tổ Công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại địa bàn.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình thường xuyên thông tin, tuyên tuyền về tình hình dịch bệnh, phổ biến cho người dân tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định và hướng dẫn chuyên môn của cơ quan thú y. Chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời thông tin, phổ biến về phương pháp, phác đồ điều trị bò mắc bệnh để các hộ chăn nuôi nắm bắt, áp dụng kịp thời.

Sở Tài chính chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh phương án, chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đối với các gia đình có bò bị bệnh, bị chết nhằm ổn định đời sống và tinh thần cho người dân; đồng thời, cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh trên đàn bò sữa theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương cách thức và kỹ thuật tiêu hủy bò mắc bệnh bị chết, đảm đảm vệ sinh môi trường theo quy định.

Sở Y tế huy động lực lượng cán bộ y tế phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện trong công tác phòng, điều trị bò bị bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh môi trường, phòng chống việc lây truyền bệnh từ gia súc sang người.