Trong dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tăng cao, bao gồm cả số lượng và chủng loại, đặc biệt là các loại bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024 của tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Đức Trọng |
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung vào những cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP. Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Sở Y tế Lâm Đồng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024 của tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 5 -24/9. Đối tượng kiểm tra gồm: các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát... Thực hiện ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn. Nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; điều kiện ATTP của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu thực phẩm...
Bên cạnh việc tổ chức đoàn kiểm tra tại tuyến tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cùng cấp, tiến hành kiểm tra theo quy định tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ; phối hợp với đoàn liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP tại các cơ sở thực phẩm.
Ông Đỗ Hoàng Hải - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2024, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức 295 đoàn kiểm tra 8.191 cơ sở thực phẩm. Kết quả có 7.713 cơ sở đạt (chiếm 94,2%) và 478 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (chiếm 5,8%). Qua kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh 380 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính đối với 98 cơ sở, hình thức xử lý phạt tiền hơn 309 triệu đồng.
Cũng từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiếp nhận 443 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn và đăng tải lên website của Chi cục. Tiến hành kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP cho 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Xây dựng và hướng dẫn các đơn vị thực hiện truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên; phân phối tài liệu phục vụ công tác truyền thông đảm bảo ATTP với 24.000 tờ rơi trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch giám sát mối nguy về ATTP, lấy 219 mẫu thực phẩm bao gồm các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế, đã gửi các mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo kế hoạch đã xây dựng. Xây dựng và triển khai phương án điều tra kiến thức, thực hành về ATTP của người quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024. Tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn triển khai thực hiện điều tra cho các điều tra viên của các huyện, thành phố.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), giống như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình sản xuất, xử lý và bảo quản bánh trung thu có thể xảy ra nguy cơ mất ATTP do sự đa dạng của các nguyên liệu được sử dụng trong bánh trung thu truyền thống. Nguy cơ nấm mốc, việc sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng, chất bảo quản hóa học và ô nhiễm vi sinh đều có thể xảy ra nếu quá trình sản xuất hoặc bảo quản không đúng cách. Để có những chiếc bánh trung thu an toàn tới người tiêu dùng, các công ty kinh doanh phải đảm bảo bánh trung thu nhập khẩu, sản xuất và bán là an toàn cho người tiêu dùng, cần phải áp dụng quy trình sản xuất và bảo quản đảm bảo an toàn, nhập thực phẩm cũng như các nguyên liệu đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ các quy định về ATTP. Lưu ý về nhập bánh trung thu: Nguồn nhập bánh trung thu từ những người bán, cơ sở có uy tín, tuân thủ các quy trình xử lý thực phẩm tốt. Chế biến bánh trung thu: Phải mua nguyên liệu từ những nguồn đảm bảo, có uy tín, tuân thủ các bước thực hành vệ sinh tốt để tránh lây nhiễm chéo và rửa tay trước khi xử lý các thành phần bánh. Ngoài ra, đảm bảo các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm được giữ sạch sẽ và vệ sinh; bảo quản bột bánh ở nơi khô ráo để tránh nấm mốc phát triển. Bảo quản và tiêu thụ bánh trung thu: Cần chú ý đến hướng dẫn bảo quản và sử dụng bánh trước khi hết hạn sử dụng ghi trên bao bì. Nếu bánh trung thu truyền thống không đựng trong bao bì kín thì nên bảo quản trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát. Bánh trung thu nhân kem nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh và ăn ngay sau khi mở hộp; không đông lạnh lại bánh trung thu sau khi đã rã đông; tuyệt đối không được ăn bánh trung thu đã đổi màu hoặc có mùi khó chịu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin