Xác định việc hỗ trợ sinh kế chính là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tích cực phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động, huy động, hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng được thụ hưởng thực hiện có hiệu quả, không để lãng phí nguồn lực.
Đa dạng mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo |
• ĐA DẠNG CÁC MÔ HÌNH SINH KẾ
Thôn 4, xã Phước Cát 2 là thôn 100% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, chủ yếu là người đồng bào S’tiêng và Mạ. Năm 2022, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, đồng bào nơi đây được hỗ trợ triển khai mô hình nuôi heo đen nhằm tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi vòng quanh ngôi làng nhỏ, ông Trương Văn Xã - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 phấn khởi giới thiệu về mô hình nuôi heo đen của ông Điểu Sriêng. Ông Xã cho hay, gia đình ông Điểu Sriêng là một trong những hộ nghèo lâu năm của thôn. Nhưng khi được trao mô hình sinh kế nuôi heo đen vào năm 2022, thì chỉ sau một năm, gia đình ông đã thoát nghèo.
“Năm 2022, gia đình chúng tôi được hỗ trợ con giống. Sau khi được trao “cần câu”, cùng sự quan tâm, vận động của địa phương, gia đình đã nghiên cứu kĩ về mô hình nuôi heo đen, để từ đó, qua từng giai đoạn, đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, với 10 con ban đầu, đàn heo phát triển ổn định, đạt trọng lượng xuất chuồng và vẫn đang được tái đàn”, ông Điểu Sriêng nói.
Theo ông Trương Văn Xã, năm 2022, Phước Cát 2 được phân bổ 500 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” cho 33 hộ, mỗi hộ 15 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi heo đen. Địa phương thường xuyên phân công cán bộ theo dõi, vận động bà con triển khai thực hiện tốt mô hình nên tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 từ 25 hộ đã giảm xuống còn 15 hộ trong năm 2023.
Cũng là một trong những địa phương làm tốt việc nhân rộng mô hình hay, huyện Lâm Hà đã triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ cho 185 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo thực hiện Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm tại 7 xã, thị trấn có đồng bào DTTS tại địa phương.
“Sau khi mô hình được triển khai thực hiện vào tháng 8/2022, 185 hộ được hỗ trợ thực hiện Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm đều đạt kết quả tốt, các hộ đã tiến hành trồng thêm dâu và nuôi thêm tằm cơ bản đều đạt sản lượng kén từ trung bình trở lên. Từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế năm 2022, 2023, đến nay đã có 41 hộ thoát nghèo, 26 hộ thoát cận nghèo, diện tích trồng dâu, nuôi tằm tăng 27,9 ha so với diện tích đăng ký hỗ trợ trồng năm 2022”, ông Hoàng Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà cho biết.
• THAY ĐỔI NHẬN THỨC, TƯ DUY
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, xác định việc hỗ trợ sinh kế phù hợp là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức làm việc với các địa phương và các ngành liên quan về khảo sát, xây dựng kế hoạch Đề án hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh để hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế đã phân bổ trên 27 tỷ đồng đến các địa phương; trong đó năm 2022, phân bổ 18 tỷ đồng; năm 2023, phân bổ 9 tỷ đồng cho 1.690 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế từ 10 - 20 triệu đồng/hộ.
“Công tác triển khai, thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo đã được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt, là sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây chính là công thức để bứt phá trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân gắn với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn”, ông Bon Yô Soan nói.
Cụ thể, nhờ tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong họp xét hộ thụ hưởng đến lựa chọn mô hình hỗ trợ; có sự kiểm tra, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng dẫn giúp đỡ thường xuyên của cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền cơ sở mà nhiều hộ dân đã nắm rõ lợi ích, mục tiêu, ý nghĩa của các chính sách; nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, không còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bà con có ý thức phấn đấu, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, chịu khó lao động và tập trung thực hiện các mô hình được hỗ trợ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bon Yô Soan, việc triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo niềm tin trong Nhân dân cũng như đồng bào DTTS về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tạo công ăn việc làm cho người dân, kinh tế gia đình được nâng lên, cải thiện đời sống, giảm các tệ nạn xã hội, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin