Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái sống của một khu vực trong kỳ báo cáo (thường là một năm). Đây là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106 bé trai/100 bé gái.
Chị Ka Nhuyền - dân số viên của Trạm y tế xã Gia Bắc (huyện Di Linh) tuyên truyền về dân số và phát triển cho chị em phụ nữ trên địa bàn |
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã xảy ra 15 năm qua, theo số liệu của Tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường và ở ngưỡng đáng báo động là 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
Lâm Đồng năm 2023 có tỉ số giới tính khi sinh là 107,3 bé trai/100 bé gái. Trong đó, có 2 huyện, thành phố đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh là: Đơn Dương, Bảo Lộc; còn lại 9 huyện, thành phố có chênh lệch giới tính khi sinh nam nhiều hơn nữ; riêng huyện Lâm Hà có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nữ thiếu nam (80,3 bé trai/100 bé gái).
Tỷ số giới tính khi sinh huyện Di Linh giai đoạn 2015-2022 trung bình hằng năm giảm 0,68 điểm/năm. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 103 trẻ trai/100 trẻ gái (thấp hơn toàn tỉnh 8,7 điểm). Đến năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của huyện về mức cân bằng 104 trẻ trai/100 trẻ gái (tương đương toàn tỉnh). Sau 7 năm thực hiện kế hoạch của UBND huyện về triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, huyện Di Linh đã kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Di Linh có tỷ số giới tính khi sinh cao (119 bé trai/100 bé gái).
Bà Ka Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh cho biết: Mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cần được quan tâm do ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững về cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện đã vượt ở mức đáng báo động. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do: Đối với cộng đồng người Kinh vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng sau này, sinh con trai để có chỗ dựa lúc về già, duy trì tài sản và tiếp tục sự nghiệp của gia đình. Đối với quan niệm của đồng bào theo chế độ mẫu hệ như người DTTS thì phải có con trai để được thụ hưởng quyền thách cưới. Về hậu quả trong tương lai sẽ thừa nam, thiếu nữ, bạo lực về giới gia tăng đối với các trường hợp bà mẹ bị ép buộc sinh con trai, ép buộc phá thai nếu thai nhi là gái và bị ngược đãi khi không sinh được con trai.
Để hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về giới, về bình đẳng giới và về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh. Đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không nên phá thai vì lý do lựa chọn giới tính; hãy để việc sinh con trai hay con gái theo quy luật tự nhiên; thực hiện gia đình có đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt và thực hiện nghiêm các quy định về chính sách dân số. Đối với người cung cấp dịch vụ siêu âm: không cung cấp thông tin về giới tính thai nhi cho khách hàng dưới mọi hình thức và thực hiện các quy định của Nhà nước về Pháp lệnh Dân số. Đối với cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực tuyên truyền về hậu quả việc lựa chọn giới tính thai nhi, đặc biệt là các cặp vợ chồng có con gái đầu lòng hoặc đã có con gái trong lần sinh trước; tăng cường việc quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở dịch vụ có siêu âm, nạo phá thai.
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo triển khai trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2023 -2025 trên địa bàn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển nói chung và mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng. Hằng năm đưa chỉ tiêu mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình công tác của từng đơn vị, đây là một trong các chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của mỗi địa phương; góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo một cách bền vững. Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện đã được đổi mới về nội dung, hình thức và cách tiếp cận; giáo dục về bình đẳng giới đã được đưa vào chương trình trong và ngoài nhà trường, tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của Nhân dân.
Mục tiêu của huyện Di Linh là tiếp tục khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bình quân 0,4 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này đạt dưới mức 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2025. UBND huyện Di Linh đề ra các nhiệm vụ cụ thể: Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình câu lạc bộ "Các bạn gái tiêu biểu", "Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau làm kinh tế gia đình"; "CLB bình đẳng giới", "Nam nông dân sáu chuẩn mực", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, tổ dân phố. Tổ chức hội nghị, hội thảo về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn... Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Các hoạt động đào tạo, tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; quản lý, giám sát nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn để có phương án điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin