Tham gia chiến đấu tại chiến trường, mang trong mình thương tích nặng, người thương binh Nguyễn Thanh Hiền đang tiếp tục cuộc chiến xây dựng kinh tế. Đó là tấm gương một doanh nhân - thương binh nặng, người đã sống và lao động xứng đáng với bản chất lính Cụ Hồ.
Thương binh Nguyễn Thanh Hiền bên lò sấy mắc ca theo công nghệ sấy chậm |
Ông Nguyễn Thanh Hiền, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng kể lại những ngày chiến đấu tại chiến trường K, bảo vệ bình yên vùng đất Tây Nam Tổ quốc. Ông nhập ngũ từ năm 1979 tới 1984, những ngày gian khổ nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Người lính khi ấy một lòng vì đồng chí, đồng bào, đã bị những vết thương nặng và xuất ngũ vào năm 1984, với một phần thân thể để lại trên chiến trường.
Xuất ngũ, người cựu chiến binh (CCB) cùng gia đình vào vùng đất Ninh Gia, Đức Trọng làm kinh tế. Cũng như hầu hết cư dân xung quanh, ông trồng cà phê là cây trồng chính. Ông kể lại, cà phê của ông giống tốt, chăm sóc kỹ, phân bón hữu cơ dồi dào nên năng suất rất tốt. Nhưng có thời điểm, cây trồng này gặp nhiều khó khăn do thị trường, giá cả bấp bênh, nông dân phải tìm thêm các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập. Riêng ông Hiền, được thông tin đại chúng giới thiệu, nhận thấy mắc ca là loài cây có triển vọng nên đã mua giống về trồng xen trong vườn cà phê. Đó là năm 2014, khi cây mắc ca vẫn còn khá mới mẻ với người nông dân Đức Trọng. Chọn giống chuẩn, chỉ 3 - 4 năm sau, mắc ca của gia đình đã cho trái. Và hiện tại, với 4 ha mắc ca xen cà phê, mỗi năm, mảnh vườn cung cấp hàng tấn mắc ca béo, ngọt và hàng chục tấn cà phê nhân xanh. Ngoài mắc ca, cà phê, ông Hiền còn trồng xen xấp xỉ 200 cây sầu riêng Thái Monthon, hiện đã bắt đầu cho trái bói, hứa hẹn nguồn thu nhập không nhỏ trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, với mục tiêu lớn hơn, ông Nguyễn Thanh Hiền đã không dừng lại ở bán tươi sản phẩm. Ban đầu, khi mắc ca còn ít trái, ông chủ yếu bán cho thương lái cũng như một vài xưởng chế biến trong vùng. Nhưng khi vườn mắc ca cho trái nhiều hơn, nông dân xung quanh cũng trồng nhiều mắc ca hơn, ông Hiền nảy ra ý định chế biến hạt mắc ca. Ông nghĩ, nhà mình cho sản lượng mắc ca cao, tự làm cho gia đình cũng đã đủ công suất. Lại còn bà con xung quanh cũng trồng xen mắc ca trong vườn, nhà ít 50 đến 70 kg, nhà nhiều cũng cả tấn. Vậy là ông mày mò đi mua máy dập hạt, máy sấy, học kỹ thuật sấy mắc ca.
Rút kinh nghiệm qua các mẻ sấy, dần dần ông nắm vững kỹ thuật sấy mắc ca sao cho giòn, thơm mà vẫn giữ được hương vị tươi mới. Công nghệ sấy của Hiền Hà maccamadia là sấy chậm. Một mẻ sấy dài tới 70 tiếng, với nhiệt độ duy trì 45-55 độ C. Công nghệ sấy chậm giúp hạt mắc ca chín từ từ, giữ nguyên được chất lượng, độ trắng của trái cũng như tránh tình trạng “lên dầu”, giúp trái mắc ca đảm bảo hương vị tươi ngon nhất. Đồng thời, khi dập vỏ đóng hộp, công nhân ngồi soi từng trái, loại hết các loại hạt hư, hạt quá nhỏ... Những hàng vỡ, hàng nhỏ, ông Hiền dùng để ép dầu mắc ca, một loại dầu có tác dụng tốt với sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ: “Máy sấy của nhà chuyên phục vụ sấy hạt của gia đình và bà con xung quanh. Vì thế, hạt mắc ca lúc nào cũng đạt độ tươi nhất. Nhà tôi thu mua của bà con với giá 85 - 90 ngàn đồng/kg hạt sọ, sấy tới đâu bán hết tới đấy, không có hàng cũ, hàng tồn”. Theo ông Hiền, mắc ca vùng Đức Trọng có điểm hay là có 2 vụ chính trong năm, vụ tháng 4 và vụ tháng 9. Vì vậy, mùa mắc ca cũng kéo dài 8 tháng, khách hàng cũng được thưởng thức hạt mắc ca tươi lâu hơn. Để đảm bảo thương hiệu mắc ca Lâm Đồng ngon nhất, doanh nghiệp chỉ bán mắc ca Lâm Đồng đúng mùa, hết mùa là ngừng cung cấp, hẹn khách hàng tới vụ mắc ca sau. Ngoài các kênh phân phối truyền thống, Hiền Hà macca cũng được phân phối rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử, một hướng đi mới cho thương hiệu nông sản địa phương.
Ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng thông tin, CCB Nguyễn Thanh Hiền là thương binh nặng 3/4. Về với đời thường, CCB Nguyễn Thanh Hiền là một điển hình của thương binh làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con ngoan. Doanh nghiệp của ông Hiền là doanh nghiệp làm ăn phát đạt, tham gia vào Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi huyện Đức Trọng với những đóng góp rất nhiệt tình cùng cộng đồng. CCB Nguyễn Thanh Hiền xứng đáng là người lính Cụ Hồ, anh dũng trong chiến đấu và hăng say lao động trong thời bình, là điển hình của những người CCB quê hương Đức Trọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin