Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Di Linh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở linh hoạt triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện. Duy trì, phát triển xây dựng mô hình hay, cách làm sáng tạo, các phong trào thi đua được phát động thiết thực đi vào đời sống của hội viên phụ nữ.
Ra mắt Mô hình Phụ nữ sống xanh tại xã Tân Châu (Di Linh) |
Hội LHPN huyện Di Linh có 20 cơ sở hội trực thuộc, trong đó 18 đơn vị cấp xã, 1 thị trấn và Hội Phụ nữ Công an huyện; toàn huyện có 183 chi hội phụ nữ thôn/tổ dân phố, với 20.129 hội viên. Các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ nguồn quỹ tại chỗ, tổ tiết kiệm, hùn vốn và nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ủy thác qua Hội đã góp phần giúp chị em tăng thu nhập cho gia đình. Tổ chức Hội luôn được củng cố, không ngừng khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương đề ra.
Bà Ka Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, Hội LHPN huyện Di Linh phát động thi đua, tập trung vào thực hiện chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, tổ chức cho Hội LHPN các xã, thị trấn, các đơn vị ký kết giao ước và đăng ký thi đua năm 2024. Đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai rộng rãi trong hội viên, phụ nữ các xã, thị trấn với nhiều hình thức phù hợp. Các hoạt động của phong trào thi đua đã được triển khai tới hơn 20.000 hội viên phụ nữ, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nhiều gương điển hình trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, có 1 tập thể được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW giai đoạn 2021-2024 là Mô hình “Tổ phụ nữ phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, tiết kiệm mua Bảo hiểm y tế” (ở Tổ dân phố 10, thị trấn Di Linh); 2 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng Phụ nữ tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng, vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng (đó là điển hình chị Ka Nhộp - Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Thuận và chị Ka Hoa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kala KRọt, xã Bảo Thuận).
Hơn 16.000 hội viên phụ nữ trong huyện thường xuyên tham gia các hoạt động “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới”; xây dựng thôn tiêu biểu, kiểu mẫu: hiến đất, đóng tiền làm đường, lắp đặt camera an ninh; làm hội trường thôn, tổ dân phố; vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh tại khu dân cư, nơi ở. Tiếp tục triển khai thực hiện Mô hình Dân vận khéo, Hội LHPN huyện Di Linh đăng ký với Ban Thường vụ Huyện ủy 5 mô hình. Có 19.088 hộ đăng ký thực hiện “Gia đình 5 không 3 sạch”. Tiếp tục vận động hơn 14.000 hộ thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà, hạn chế sử dụng túi ni lon. Tại 19/19 Hội LHPN xã, thị trấn đăng ký Mô hình Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới với các công trình cụ thể: Trồng đường hoa, cây xanh, làm sân xi măng, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, tặng phương tiện hỗ trợ sinh kế. Thành lập mới 7 mô hình “5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch”, “Ngôi nhà xanh”, “Phụ nữ sống xanh”... ươm được 2.000 cây muồng vàng để trồng các đoạn đường “xanh - sạch - đẹp” do phụ nữ tự quản. Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân triển khai thực hiện “Xây dựng huyện Di Linh đạt huyện nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, tiến tới đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025-2030”.
Hội Phụ nữ huyện phối hợp thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình năm 2024 để phân loại, lập danh sách những hộ đủ điều kiện thì vận động đăng ký thoát nghèo và tập trung nguồn lực hỗ trợ thoát nghèo. Thống kê cuối năm 2023, toàn huyện có 824 hộ nghèo, 1.270 hộ cận nghèo, trong đó 470 hộ nghèo có phụ nữ. Ngay từ đầu năm 2024, Hội đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ 63 hộ nghèo, hộ cận nghèo có phụ nữ (trong đó 32 hộ phụ nữ DTTS) có đăng ký thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp. Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp rà soát các hộ là người DTTS có nhu cầu vay vốn, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để hỗ trợ vốn theo quy định.
Để góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, Hội LHPN huyện tiếp tục thực hiện ủy thác NHCSXH cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế với dư nợ hơn 195 tỷ đồng. Hội quản lý 87/87 tổ tiết kiệm và vay vốn với 3.798/3.869 hộ vay vốn gửi tiết kiệm (đạt 98,2%) hơn 15 tỷ đồng. Số tiền huy động tiết kiệm bình quân trên số hộ vay là 4 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, Hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Di Linh, Hòa Ninh, hiện quản lý 19 tổ, dư nợ hơn 10 tỷ đồng cho 151 hộ vay.
Triển khai “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, kết quả có 162 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia gửi tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng. Phong trào thi đua tiết kiệm xây dựng quỹ “Vì phụ nữ nghèo” có trên 20.000 hội viên tham gia tiết kiệm trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2024, thực hiện giải ngân số tiền hơn 1,3 tỷ đồng cho 200 cán bộ, hội viên, phụ nữ các xã, thị trấn vay để chăm sóc cây trồng, buôn bán nhỏ... Khảo sát và bàn giao 25 con bò sinh sản cho 25 hội viên nghèo, cận nghèo tại xã Gia Hiệp, Đinh Lạc, Bảo Thuận, Gung Ré và thị trấn Di Linh.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và “Triệu phần quà san sẻ, yêu thương”, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hội LHPN các cấp trong huyện đã trao 1.727 phần quà cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội cơ sở duy trì hoạt động tương thân tương ái, các hũ gạo tình thương đã giúp 2 tấn gạo cho các gia đình có khó khăn; trao tặng các phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn đột xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin