Hiện nay đã vào cuối mùa mưa 2024, tuy nhiên tình hình thời tiết mưa lũ trên địa bàn vẫn còn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn trên 62 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp ở các mức độ khác nhau chưa được bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa.
Hồ Ka La (Di Linh) là một trong những hồ lớn xuống cấp thời gian qua |
Mùa mưa năm 2024 trên địa bàn tỉnh có khả năng kết thúc vào cuối tháng 11/2024. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, địa phương hiện có 444 công trình thủy lợi, trong đó có 230 hồ chứa; 79 đập dâng, 13 cống dâng; 19 trạm bơm; 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300 km kênh mương (đã kiên cố hóa được khoảng 910 km, đạt tỷ lệ 70%) chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.004 ha đất canh tác. Trong số 230 hồ chứa gồm 35 hồ chứa loại lớn, 62 hồ chứa loại vừa, 133 hồ chứa loại nhỏ. Đối với đập dâng có 1 đập dâng loại lớn, 78 đập dâng loại nhỏ.
Đối với cống dâng gồm 2 cống dâng loại lớn, 1 cống dâng loại vừa, 10 cống dâng loại nhỏ. Riêng với trạm bơm thì tất cả 19 trạm bơm đều thuộc loại nhỏ. Về dung tích hồ chứa thì có 7 hồ chứa trên 10 triệu m3; 7 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; 45 hồ dung tích từ 0,5 tới 3 triệu m3; 76 hồ chứa có dung tích 0,05 tới 0,5 triệu m3 và số còn lại dưới 50.000 m3.
Về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phân cấp quản lý đối với các hồ, đập thủy lợi, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý, khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý 48 công trình. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thuộc UBND cấp huyện quản lý 179 công trình. Ngoài ra các đơn vị khác là chủ sở hữu công trình thủy lợi hiện đang quản lý, vận hành 3 hồ chứa.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, qua rà soát hiện trạng, xác định được về cơ bản các công trình thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn do thường xuyên được các đơn vị quản lý vận hành kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, việc hư hỏng, xuống cấp chủ yếu xảy ra tại các công trình đã vận hành lâu năm. Cụ thể qua báo cáo của các đơn vị xác định được hiện tại trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 62 công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau chưa được thi công nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 3 công trình đã xác định được nguồn vốn và 59 công trình chưa được bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí dự kiến khoảng 515 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn có 21 công trình bị hư hỏng, xuống cấp đang tổ chức thi công nâng cấp, sửa chữa (nhiều công trình đã nghiệm thu trong quý II năm 2024) từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau để thực hiện các hạng mục như gia cố mặt đập, khoan phụt chống thấm, làm lại rãnh thoát nước mái hạ lưu, gia cố mái thượng lưu...
Theo đánh giá, phần lớn các hồ, đập trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, qua thời gian sử dụng lâu dài nên một số công trình đã bị hư hỏng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn. Trong khi đó, khó khăn hiện nay một số công trình thủy lợi do đã xây dựng từ lâu, đến nay hồ sơ bị thất lạc nên không còn thông số kỹ thuật để đăng ký kê khai an toàn hồ, đập. Hiện đã có quy định các nội dung thực hiện của quy trình bảo trì công trình thủy lợi, tuy nhiên chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để hướng dẫn lập chi tiết cho các nội dung này của quy trình bảo trì công trình,...
Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng và tài sản của người dân ở hạ lưu công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết đã có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí để đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP đầy đủ, đảm bảo đáp ứng thời gian theo quy định do hiện nay địa phương, đơn vị đang khó khăn về kinh phí. Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật hướng dẫn thực hiện lập, thực hiện quy trình bảo trì công trình thủy lợi. Đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí 613 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh, gồm: nâng cấp, sửa chữa công trình hư hỏng, xuống cấp chưa được bố trí kinh phí với tổng kinh phí đề xuất 515 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình, thực hiện các nội dung quản lý an toàn đập, hồ chứa là 98 tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin