Ngành chức năng thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng có 109 cầu hư, cầu yếu cần thay thế, sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 965 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Một cây cầu yếu trên địa bàn huyện Đức Trọng nằm trong danh mục nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 2026-2030 |
Ghi nhận trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện nay có khoảng 15 cây cầu hư hỏng nặng, xuống cấp cần thay thế trong trong thời gian sớm do nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hoá rất lớn của bà con Nhân dân. Đơn cử như địa bàn xã Đông Thanh đã có 2 cây cầu treo cần xây mới. Cụ thể, tại cây cầu treo Thanh Hà bắc qua suối Cam Ly kết nối 3 thôn xã Đông Thanh với thị trấn Nam Ban đã bị dòng nước lũ cuốn trôi vào tháng 6/2023. Từ đó đến nay, hàng trăm hộ dân phải vất vả chở con đi học, vận chuyển nông sản và đi chợ hằng ngày ra khu vực thị trấn Nam Ban bằng đường vòng rất xa, thêm từ 3 tới 4 km, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của bà con Nhân dân.
Theo thống kê từ xã Đông Thanh, phía bên kia cầu có hơn 2.000 ha đất trồng cà phê, cây ăn trái của người dân 3 thôn Thanh Hà, Thanh Trì và Đông Hà với hơn 4.000 nhân khẩu. Mỗi ngày (khi cầu còn hoạt động) có đến hàng trăm lượt người và phương tiện (xe máy và xe đạp) qua lại để vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất cũng như chở con em mình đi học, đi chợ tại khu vực thị trấn Nam Ban.
Ông Đinh Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, ngoài cầu treo Thanh Hà bị hư hỏng, còn một cây cầu treo gần đó nối xã Đông Thanh với thị trấn Nam Ban cũng xuống cấp nghiêm trọng. “Vừa qua, huyện Lâm Hà đã đề xuất các sở, ngành của tỉnh và được thống nhất đưa vào xây dựng mới hai cây cầu này bằng bê tông giai đoạn 2026-2030 với tổng vốn xây dựng dự kiến 32 tỷ đồng mỗi cầu”, ông Thế thông tin.
Tương tự, tại địa bàn huyện Bảo Lâm có hơn chục cây cầu yếu, cầu xuống cấp cần sửa chữa, thay thế. Hầu hết đây là cầu có khổ nhỏ, được xây dựng từ trên 20 năm trước. Như tại cây cầu treo Cai Bảng (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9/2010 với chiều dài khoảng 100 m, chiều rộng 2,1 m và trọng tải cho phép là 2,5 tấn nhưng nhiều lần xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân lưu thông. Cây cầu này ngoài việc phục vụ công nhân qua lại vào làm việc tại mỏ tuyển rửa quặng thuộc Dự án Bô xít - Nhôm Lâm Đồng thì còn phục vụ cho hàng trăm hộ dân đi lại vận chuyển nông sản, phân bón canh tác cà phê trong khu vực này. Do tính cấp thiết, vừa qua, chính quyền thị trấn Lộc Thắng đã phải gấp rút trích kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn, tạm thời đảm bảo việc đi lại, chuyên chở nông sản của người dân qua cầu vào mùa cà phê cuối năm 2024.
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 500 cây cầu thuộc hệ thống đường bộ tại địa phương, trong đó gồm 353 cầu nhỏ, 138 cầu quy mô vừa và 13 cầu lớn. Thống kê trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh Lâm Đồng hiện có 71 cây cầu, các tuyến tỉnh lộ 64 cầu, còn lại là 369 cầu trên tuyến đường dân sinh do địa phương cấp huyện, thành phố quản lý. Trong đó, các công trình cầu yếu, xuống cấp đa số thuộc tuyến đường dân sinh, đi vào vùng sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Lâm Hà, Đạ Tẻh,…
Tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 10/2024, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cho biết, do được xây dựng hàng chục năm nên danh mục 109 các cây cầu đã xuống cấp cần có kế hoạch sửa chữa, gia cố và thay thế kịp thời để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông thời gian tới với tổng số vốn dự kiến khoảng 965 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã và đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương liên quan lên phương án sửa chữa, thay thế các cầu yếu từ nguồn ngân sách đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, với mức bình quân mỗi năm cần 200 tỷ đồng để dần thay thế, gia cố tất cả cầu yếu trên địa bàn. Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, việc xây dựng, cải tạo cầu yếu, xuống cấp địa phương còn huy động các nguồn khác nhau như vốn ODA, vốn của Bộ Giao thông Vận tải.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin