Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cát Tiên cũng tập trung đến lĩnh vực công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhờ đó đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn từng bước được nâng lên, tạo được sự phấn khởi, tin tưởng trong đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Người dân vùng đồng bào DTTS huyện Cát Tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế |
Huyện Cát Tiên có 7 xã và 2 thị trấn với 59 thôn, buôn, tổ dân phố; tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 20,6% tổng dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sống tập trung ở 29 thôn, buôn thuộc 8 xã, thị trấn. Huyện có 3 xã, 1 thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi và 8 thôn, tổ dân phố có tỷ lệ hộ đồng bào DTTS trên 15% nằm ngoài xã, thị trấn vùng DTTS.
Huyện ủy Cát Tiên xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS trong nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm. Đồng thời ban hành các kế hoạch, nghị quyết, chương trình, định hướng đầu tư và phát triển vùng đồng bào DTTS và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.
Để làm tốt công tác dân tộc, huyện đã quan tâm phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Là địa phương với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Huyện ủy Cát Tiên đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hàng hóa; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp với thổ nhưỡng và hình thành các vùng sản xuất cho các cây trồng chủ lực. Hiện toàn huyện có 7 vùng sản xuất gồm: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống và lúa hữu cơ với 7.600 ha; vùng sản xuất rau chuyên canh gần 500 ha; vùng dâu tằm chất lượng cao trên 170 ha; vùng cây ăn trái hơn 1.380 ha; vùng sản xuất cao su 246 ha; vùng canh tác cây điều khoảng 5.900 ha; vùng canh tác cây cà phê 673 ha. Trong đó, duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa hữu cơ tại các vùng trọng điểm theo quy hoạch, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và tạo nguồn phát triển thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên. Toàn huyện có 84 vườn mẫu, 5 vùng liên kết sản xuất sầu riêng; xây dựng và triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện Cát Tiên cũng chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó chỉ đạo tập trung phát triển ngành nghề đan lát, dệt thủ công tại các thôn, buôn để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; thành lập Tổ hợp tác rượu cần Buôn Go để phát triển sản xuất rượu truyền thống; duy trì và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã (HTX) như: HTX tiểu thủ công nghiệp thổ cẩm Cát Tiên mở lớp dệt thổ cẩm cho người DTTS địa phương; HTX An Bình thường xuyên hướng dẫn lao động đan bèo, giỏ nhựa lúc nông nhàn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống; thành lập Công ty TNHH Bản Ca Cao do người DTTS làm chủ doanh nghiệp… Qua đó thu hút và tạo việc làm cho lao động người đồng bào DTTS.
Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện chủ trương về đầu tư tạo sinh kế bền vững phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2019-2024, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm, dịch vụ công cộng… đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống cho đồng bào DTTS. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tập trung triển khai đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nước hợp vệ sinh trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng mức đầu tư trên 52.557 triệu đồng/28 công trình. Đến nay, 100% các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã được phủ sóng viễn thông, 100% xã có điện lưới; trên 99% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh…
Cùng với đó, huyện thực hiện hỗ trợ người dân định cư, định canh trên diện tích đất sản xuất; hỗ trợ chuyển mục đích đất sản xuất sang đất ở để người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ đạo rà soát các trường hợp thiếu đất ở, đất sản xuất theo Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND, ngày 8/1/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy định hạn mức giao đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo chưa có đất ở, chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững… đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cuối năm 2023, toàn huyện có 155 hộ nghèo, tỷ lệ 1,51% (giảm 2,15% so với năm 2022), trong đó hộ nghèo DTTS 63 hộ (giảm 4,17%); có 189 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,84% (giảm 2,24%), trong đó hộ cận nghèo DTTS 63 hộ, tỷ lệ 2,94%. Ngoài ra, huyện Cát Tiên cũng chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS và đạt kết quả tích cực...
Theo Huyện ủy Cát Tiên, qua triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác dân tộc trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về công tác dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biển tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm; đồng bào DTTS ổn định chỗ ở, an tâm lao động sản xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin