Thời gian qua, huyện Đam Rông đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước cải thiện chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương.
Huyện Đam Rông đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ bà con DTTS phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng |
• TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC CHÍNH SÁCH
Đam Rông có 65,07% dân số là người đồng bào DTTS với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm cả dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên và bà con DTTS ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào. Đồng chí Đa Cắt K’Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông cho biết, trên cơ sở Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo liên quan của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đam Rông đã triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện đặc thù của địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Từ đây các dự án định canh, định cư cho đồng bào DTTS với 5 điểm ổn định dân cư gồm: thôn Đa Xế (xã Đạ M’Rông), Tiểu khu 72 (xã Đạ Long), thôn Đạ M’Pô (xã Đạ Rsal), Tiểu khu 179 và Tiểu khu 181 (xã Liêng S’rônh) đã được triển khai, giúp bà con an cư nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Huyện Đam Rông cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chuyển dần từ các cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như trồng dâu, nuôi tằm, trồng bơ ghép, sầu riêng ghép… nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, từng bước giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS để giảm tỷ lệ nghèo chung của toàn huyện.
Thống kê của UBND huyện Đam Rông, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm còn 11,63% (1.701 hộ), trong đó, hộ nghèo 624 hộ, tỷ lệ 4,27%, hộ nghèo đồng bào DTTS 579 hộ, tỷ lệ 6,8% so với số hộ DTTS trên địa bàn huyện; hộ cận nghèo 1.077 hộ, tỷ lệ 7,36%, hộ cận nghèo đồng bào DTTS 962 hộ, tỷ lệ 11,30% so với số hộ DTTS trên địa bàn huyện. So với năm 2019, hộ nghèo giảm 14,95% (giảm 1.941 hộ), bình quân giảm gần 3%/năm.
Trong thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng vùng đồng bào DTTS, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động sức dân để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Giai đoạn 2019 - 2024, địa phương đã xây dựng 131 công trình đường giao thông, tương đương 147,518 km. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, tạo sự kết nối trong nội bộ huyện, giữa huyện với các địa phương khác trong tỉnh và với các địa phương thuộc hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Công tác y tế khám, chữa bệnh cho Nhân dân được nâng cao; chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng lên; các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao đa dạng, phong phú; mạng lưới phủ sóng truyền thanh, truyền hình, internet đến tận các thôn, buôn, đáp ứng thông tin nghe, nhìn, liên lạc cho Nhân dân; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên và kịp thời.
Xác định con người là then chốt trong mục tiêu phát triển nên những năm qua, huyện Đam Rông chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS đảm bảo về số lượng và chất lượng. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông, từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2024, toàn huyện kết nạp 322 đảng viên, trong đó có 124 đảng viên người DTTS. Như vậy, hiện tại đảng viên người DTTS chiếm trên 36% đảng viên toàn huyện. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người đồng bào DTTS được các cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng. Đến nay, số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên toàn huyện là 315 người, tỷ lệ 24,92%. Đây là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là chính sách đối với đồng bào DTTS đến gần hơn với bà con. Do đó, việc thực hiện các chính sách dân tộc mang lại hiệu quả cao, hạn chế thất thoát, lãng phí, đáp ứng sự tin cậy của Nhân dân.
• NHIỆM VỤ ĐẶT RA
Sự đổi thay của huyện Đam Rông nói chung và của vùng đồng bào DTTS ở địa phương nói riêng là điều không thể phủ nhận. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để huyện Đam Rông kéo gần khoảng cách phát triển trong huyện và bắt nhịp sự phát triển chung của các địa phương khác trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, hộ nghèo chủ yếu là người đồng bào DTTS; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn hạn chế. Một số phong tục, tập quán không còn phù hợp vẫn còn tồn tại; an ninh vùng DTTS vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức người DTTS còn hạn chế; công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên người DTTS còn gặp nhiều khó khăn...
Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, huyện Đam Rông xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trọng tâm là chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo; hỗ trợ định canh, định cư; đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn hỗ trợ trực tiếp người nghèo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, huy động các nguồn lực trong đồng bào DTTS góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin