Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của đảng bộ và chính quyền các cấp, các chính sách và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã giúp đời sống người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2024 - 2029, với nguồn lực đầu tư lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đồng bào DTTS càng thêm đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc |
Với hơn 378.000 người dân là đồng bào DTTS, chiếm gần 1/4 dân số, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác dân tộc; đảm bảo sự đoàn kết, bình đẳng và hỗ trợ, ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS. Ngoài các chủ trương, chính sách chung này, tỉnh cũng ban hành và triển khai nhiều chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Tiêu biểu có thể kể tới Nghị quyết số 16 về phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030.
Nhờ vậy, khu vực đồng bào DTTS đã có nhiều bước phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2019), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS giảm còn 3,24%. Những kết quả này càng thêm củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, sự hoạt động hiệu quả của chính quyền các cấp.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học bày tỏ sự vui mừng và tự hào về những thay đổi tích cực của người dân đồng bào DTTS trong tỉnh. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh Lâm Đồng trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương.
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là một trong những giải pháp giúp nâng cao thu nhập người dân vùng đồng bào DTTS |
Tiếp tục đà phát triển này, đồng bào các DTTS tỉnh càng thêm hy vọng về giai đoạn 2024-2029, các chính sách dân tộc sẽ được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả hơn nữa. Chị Ma B’Lim - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Pró Ngó, xã Pró (Đơn Dương), cho biết: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chúng tôi hy vọng trong giai đoạn 2024-2029, các chính sách dân tộc sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT- XH; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.
Tương tự, mục sư Ka Să Ha Nhiếu (75 tuổi) người có uy tín tại xã Phú Hội (Đức Trọng), cho biết: “Người dân vùng đồng bào DTTS đã có nhiều bước tiến về kinh tế, đời sống. Tôi rất mong chính quyền tiếp tục hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống”.
Trong giai đoạn mới, Lâm Đồng xác định tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho vùng DTTS và miền núi. Một trong những trọng tâm là tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời kết hợp với hai chương trình quan trọng khác là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các khu vực.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, ông Y Vinh Tơr - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, phù hợp với điều kiện, đặc thù địa phương gắn với quy hoạch và định hướng phát triển chung của tỉnh. Tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng và thế mạnh riêng biệt của vùng DTTS, bao gồm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác các lợi thế về tài nguyên rừng, đất đai, di tích lịch sử và văn hóa truyền thống. Các địa phương cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp và phi nông nghiệp theo hướng tiến bộ, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS ổn định sinh kế và nâng cao đời sống.
Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, 250 đại biểu - đại diện cho hơn 378 nghìn đồng bào DTTS trên toàn tỉnh - đã thông qua quyết tâm thư thể hiện niềm tin son sắt của người dân vùng đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào DTTS tiếp tục nỗ lực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giữ gìn môi trường, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc... nguyện chung sức, chung lòng xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin