Khẳng định vai trò người lao động trong xuất khẩu nông sản Lâm Đồng

DIỆP QUỲNH 00:18, 31/10/2024

Lâm Đồng, với lợi thế của một địa phương có nhiều mặt hàng nông sản đặc thù, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu mang lại thu nhập tốt. Để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, nhiều bộ tiêu chuẩn như ISO 22000, HACCP, Halal... được đưa vào áp dụng tại các doanh nghiệp. Sự thích ứng của người lao động là một trong những yêu cầu bắt buộc để việc áp dụng các tiêu chuẩn thành công.

Chế biến khoai lang xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Viên Sơn
Chế biến khoai lang xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Viên Sơn

ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO QUY TRÌNH SẢN XUẤT

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH B’Laofood (Khu công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc) chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên chế biến trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, B’Laofood đã áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nhất. Công ty áp dụng các công nghệ tiên tiến như Fluidized IQF, Belt IQF, Fresh Line và Air-blast Freezer vào quá trình xuất khẩu trái cây đông lạnh và đạt nhiều chứng chỉ như Halal, BRC, đảm bảo trái cây của B’Laofood được chấp nhận ở các thị trường quốc tế. “Để quy trình sản xuất đảm bảo tuân thủ đúng, không thể thiếu sự tham gia chặt chẽ của người lao động. Máy móc hoạt động theo quy trình đặt sẵn nhưng con người là yếu tố có sự thay đổi ngẫu nhiên. Vì vậy, chúng tôi đánh giá vai trò của người lao động vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho nhà máy hoạt động đúng quy trình”, ông Nguyễn Thanh Tuấn đánh giá.

Cũng như B’Laofood, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự nhiên (Đức Trọng) cho biết, chuyên xuất khẩu hàng nông sản chế biến qua thị trường Nhật Bản nên doanh nghiệp có đầy đủ các chứng nhận cần thiết như FSSC, chứng chỉ mở cửa cho hàng hoá nông sản tham gia thị trường xuất khẩu toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Anh - Giám đốc Công ty Đà Lạt Tự nhiên cho biết, trong quy trình xây dựng để nhà máy đạt chứng chỉ FSSC, có một khâu cực kỳ quan trọng là khâu đào tạo con người. Trong đó, phải đào tạo rất kỹ người lao động để đảm bảo sự tham gia của con người trong dây chuyền sản xuất đảm bảo đúng quy trình. “Lắp đặt máy móc, sử dụng công nghệ không thể thay thế được vai trò của công nhân. Chúng tôi phải đào tạo, tập huấn, giám sát thường xuyên để người lao động luôn giữ đúng quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nguyễn Văn Anh đánh giá.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lâm Đồng có 20 doanh nghiệp đạt các chứng chỉ Halal, Koser cũng như hàng chục doanh nghiệp áp dụng FSSC, BRC. Các doanh nghiệp đạt chứng chỉ quốc tế đều hướng mục tiêu sang xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nông sản sang thị trường quốc tế. Mỗi năm, Lâm Đồng xuất hàng trăm triệu USD nông sản qua chế biến đi khắp nơi trên thế giới. Và, sự đóng góp của người lao động trong dây chuyền xuất khẩu là có vị trí vô cùng quan trọng.

• ĐÀO TẠO ĐỂ CÓ NGƯỜI LAO ĐỘNG XUẤT SẮC

Ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết, không chỉ dừng lại ở việc chăm lo quyền lợi cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, việc thúc đẩy người lao động vươn lên, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cũng là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Ông Phạm Văn Được rất hoan nghênh các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, thi tay nghề, nâng cao chất lượng cho người lao động, đặc biệt trong các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.

Tại Công ty Cổ phần Viên Sơn (Đức Trọng), việc tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề cho công nhân được diễn ra hằng năm. Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty cho biết, công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã qua chế biến sang thị trường Nhật Bản cũng như các thị trường Đông Nam Á, châu Âu. Vì vậy, vai trò của người công nhân trong chuỗi xuất khẩu nông sản là vô cùng quan trọng. “Một người công nhân có tay nghề tốt, đảm bảo quy trình lao động chặt chẽ sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng ổn định, giữ vững thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Duy Đa khẳng định. Cũng vì vậy, Công ty Viên Sơn liên tục tổ chức đào tạo tay nghề cũng như các đợt thi tay nghề cho người lao động, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Chị Nguyễn Thị Lan Hoa, công nhân bộ phận sản xuất của Công ty Trường Hoàng Lâm Đồng cho biết, chị đã được công ty tổ chức đào tạo thường xuyên. Là doanh nghiệp có mặt hàng chủ đạo là chanh dây xuất khẩu, Trường Hoàng Lâm Đồng khẳng định, đào tạo công nhân sẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín của thương hiệu. Chị Phí Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty đánh giá, doanh nghiệp luôn ý thức được việc phải cùng người lao động tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Và, hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề được công ty phối hợp với tổ chức Công đoàn thường xuyên tổ chức. Công nhân định kỳ được tập huấn về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, tuân thủ quy trình sản xuất. Chị Thùy Linh chia sẻ: “Công tác đào tạo thường xuyên được coi là then chốt, bên cạnh việc giám sát, nhắc nhở thường xuyên người lao động. Qua đào tạo, người lao động nắm được kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ. Ngay cả đội ngũ cán bộ quản lý cũng phải thường xuyên tiếp cận với các quy định, thông tin mới về an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, về các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của luật pháp trong nước cũng như yêu cầu của đối tác”.

Nhận thức rõ vai trò của người lao động trong chuỗi sản xuất nông sản xuất khẩu, tập trung công tác đào tạo, giám sát, đồng hành cùng người lao động tuân thủ các quy trình sản xuất, các công ty chế biến nông sản xuất khẩu đang xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới mục tiêu chinh phục những thị trường xa hơn.