NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG ĐỒNG BÀO DTTS:
Tập trung giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh và giảm nghèo bền vững

NHẬT QUỲNH 06:08, 22/10/2024

Nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Trong đó, ba trụ cột chính gồm công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội đóng vai trò then chốt. Tại tỉnh Lâm Đồng, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của Nhân dân, các chính sách này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu giúp vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững
Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu giúp vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững

Theo đó, thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện với quyết tâm cao, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, ưu tiên các địa bàn khó khăn, vùng DTTS, đồng thời, linh hoạt trong chính sách. Nhờ vậy, các chính sách này đã tạo sự chuyển biến tích cực của đại bộ phận Nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng 37.000 - 38.000 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 10.000 người được đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực lao động mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp. Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho 28.000 - 30.000 lượt lao động, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 6.000 lượt, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Bên cạnh việc giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Các chương trình tín dụng xã hội, Bảo hiểm y tế và giáo dục cho đồng bào DTTS đã góp phần giúp người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao mức sống và đảm bảo bình đẳng trong xã hội. 

Trong đó, chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã dần nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, hệ thống Bảo hiểm xã hội cũng ngày càng được củng cố và hoàn thiện, giúp người dân an tâm hơn trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, từ năm 2019 đến nay, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng mạnh; tạo điều kiện cho mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là người nghèo và DTTS, tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm một cách hiệu quả.

Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ trẻ em DTTS đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học và trung học cơ sở đạt trên 98%. Đồng thời, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp người lao động nâng cao kỹ năng và tạo thu nhập ổn định.

Cuối cùng, các chính sách về giảm nghèo bền vững, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, cũng được địa phương triển khai hiệu quả, đồng bộ. Trong đó, nổi bật là ở các huyện nghèo như Đam Rông và các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Các chương trình, dự án luôn chú trọng ưu tiên đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng đồng bào DTTS. Mặt khác, tỉnh cũng chú trọng việc lồng ghép chính sách giảm nghèo với các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã có khả năng tự chủ hơn trong cuộc sống, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Kết quả, giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm 3,78%, tương đương với 12.207 hộ gia đình thoát nghèo. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo trong cộng đồng DTTS đã giảm tới 10,21%, tương đương với 7.825 hộ. 

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đồng đều, hạ tầng tại một số vùng còn kém phát triển, nguồn lực tài chính hạn chế. Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, thay vì tự mình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở tiếp tục hoàn thiện các chính sách xã hội, tăng cường đào tạo nghề gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát huy vai trò của cộng đồng trong quá trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục pháp luật bằng tiếng DTTS và tăng cường các chương trình hỗ trợ đặc thù để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ các chính sách xã hội. Với các kết quả đã đạt được và những nỗ lực đổi mới, hoàn thiện này, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là đối với người nghèo, sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, bắt kịp với mức phát triển chung của toàn tỉnh.