Sở Y tế Lâm Đồng đã tích cực triển khai cho các đơn vị y tế trong ngành và cán bộ hành nghề y, dược tư nhân thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải y tế. Hầu hết các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều triển khai thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đúng các loại chất thải rắn y tế theo quy định.
Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng gắn biển công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng |
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024, tại 21 đơn vị y tế đã huy động 15.651 người tham gia các hoạt động như: Khơi thông 77.422 m cống rãnh; thu gom, xử lý hơn 431 tấn rác; vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng 1.695 giếng nước, công trình bảo vệ môi trường; phát quang bụi rậm, đường giao thông 316,65 km; trồng mới và chăm sóc 22.259 cây xanh trên 11 ha. Tổ chức 11 buổi tập huấn, hội thảo về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa… Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường như: Treo 99 băng rôn, tuyên truyền 319 lượt trên các phương tiện thông tin tại các đơn vị trong ngành.
Sở Y tế Lâm Đồng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế, cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng, chăm sóc người bệnh tại 18 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra về hoạt động của chương trình vệ sinh môi trường, công tác quản lý chất thải y tế theo Thông tư 20/2021/TT-BYT tại 12 trung tâm y tế huyện, thành phố; giám sát, hỗ trợ hoạt động chương trình vệ sinh môi trường, công tác quản lý chất thải y tế tại 24 trạm y tế xã, thị trấn thuộc các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm và Lâm Hà. Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức kiểm tra việc đảm bảo các quy định của pháp luật về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại 14 cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh quản lý theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh năm 2024. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố kiểm tra giám sát vệ sinh môi trường tại các khu vực trung tâm và nơi công cộng về quy trình thu gom và xử lý rác, nước thải, phúc tra công trình vệ sinh, kiểm tra về “đảm bảo 3 sạch" tại 28 chợ, 109 trường học, 99 trạm y tế và bệnh viện huyện, 14 trạm cấp nước, 6.326 hộ gia đình và 421 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngành Y tế Lâm Đồng hiện có 25 đơn vị trực thuộc; trong đó, các cơ sở y tế công lập có phát sinh chất thải y tế bao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 1 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh; 12 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; 1 nhà hộ sinh và 22 phòng khám đa khoa khu vực; 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập có 2 bệnh viện tư nhân và 683 cơ sở y tế tư nhân.
Các cơ sở y tế trong ngành có phát sinh chất thải y tế trong quá trình hoạt động đều đã thực hiện lập kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tổ chức quan trắc môi trường theo các văn bản hiện hành quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện định kỳ 6 tháng 1 lần, báo cáo về Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế. Các cơ sở y tế đều đã đăng ký và có mã số quản lý chất thải nguy hại theo quy định về quản lý chất thải y tế. Sở Y tế đã quán triệt, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn và định kỳ kiểm tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/11/2021 về việc quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Về năng lực xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng đồng thời 2 mô hình xử lý cho các bệnh viện. Mô hình xử lý tại chỗ: Các cở sở y tế sử dụng công nghệ lò đốt chất thải gồm Trung tâm Y tế các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên (lò đốt tại Lâm Hà đang bị hỏng, hiện tại đơn vị dùng xăng để đốt chất thải lây nhiễm, tro xỉ sau khi đốt được chôn lấp tại hố bê tông có lót đáy và nắp đậy kín). Tuy nhiên, công nghệ lò đốt là buồng đốt hai cấp sử dụng nhiên liệu đốt là dầu DO. Hiện nay, các lò đốt hoạt động trong tình trạng gây ô nhiễm không khí rất lớn, với công suất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải rắn nguy hại phát sinh tại bệnh viện. Ngoài ra, do lò đốt gần khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Còn Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng xử lý bằng phương pháp hấp tiệt trùng và Trung tâm Y tế các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm xử lý bằng thiết bị nghiền hấp. Đối với mô hình xử lý tập trung: Các đơn vị y tế trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị thành phố để thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung.
Hiện có 7 bệnh viện trong tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế; trong đó Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ AAO, đạt tiêu chuẩn nguồn nước thải đầu ra. Có 11/12 trung tâm y tế huyện, thành phố đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế (Bảo Lộc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trang bị hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ năm 2009; hiện đơn vị đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý nước thải theo dự án của tỉnh.
Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa” do Sở Y tế phối hợp với Công đoàn ngành phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thu gom, phân loại và thu hồi các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Hàng năm, gắn với kế hoạch kiểm tra cuối năm tại các đơn vị của Sở Y tế có kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế, cùng với đó là các đơn vị tự kiểm tra. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện các tồn tại ở một số đơn vị và đưa ra các biện pháp khắc phục ngay...
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường những năm tiếp theo, ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý chất thải lỏng tại các cơ sở y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin