Cải thiện dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số

DIỆU HIỀN 06:05, 18/11/2024

Ngành Y tế Lâm Đồng đang triển khai Mô hình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại các xã khu vực III, khu vực II nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng. Chương trình đã xây dựng Mô hình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại Liêng S'rônh, Đạ M'rông, Đạ Long (huyện Đam Rông) và Đưng K’nớ thuộc huyện Lạc Dương.

Mô hình Nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em tại xã Đạ M’rông (Đam Rông)
Mô hình Nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em tại xã Đạ M’rông (Đam Rông)

Chị K’Glang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ M’rông (Đam Rông) cho biết: 5 năm qua, chị em phụ nữ trong xã duy trì Mô hình Nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em và cả người già. Cứ Chủ nhật hàng tuần, chị em tập trung tại hội trường thôn nấu cháo, luân phiên ở 5 thôn trên địa bàn xã, mỗi lần nấu từ 60 - 200 suất. Chị em gom góp gạo, tiền (10 ngàn đồng/chị) và kêu gọi nhà tài trợ để duy trì Mô hình Nấu cháo dinh dưỡng (có thịt, trứng, bí, rau, củ) nhờ đó giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, kết hợp hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”…

Chị Ka Oanh (22 tuổi) có 2 con nhỏ (3 tuổi và 18 tháng tuổi) ở thôn Đa Xế, xã Đạ M’rông chia sẻ: “Chủ nhật hàng tuần chúng tôi đưa con nhỏ và mang theo đồ đựng cháo đến hội trường thôn để nhận cháo dinh dưỡng cho các cháu ăn. Đây cũng là dịp để các bà mẹ trẻ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc nuôi dạy con và trẻ em trong thôn cũng có nhiều bạn chơi trong không khí vui vẻ, náo nhiệt như là buổi liên hoan của thiếu nhi”.

Tầm vóc của con người ảnh hưởng mạnh nhất là ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (9 tháng mang thai và hai năm đầu đời), giai đoạn tiền học đường và dậy thì. Cụ thể, giai đoạn thai kỳ, trẻ phát triển từ 0 lên tới 50 cm chỉ trong 9 tháng, đây là giai đoạn phát triển chiều cao nhanh nhất. Năm đầu tiên sau sinh, chiều cao của trẻ tăng trung bình 25 cm. Năm thứ hai, trẻ tiếp tục tăng thêm khoảng 12,5 cm. Khi kết thúc giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, trẻ có thể đạt được 50% chiều cao trưởng thành. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên bổ sung các vi chất cần thiết bởi yếu tố đầu tiên quyết định chiều cao của trẻ là di truyền, chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu trong giai đoạn này, trẻ không nhận đủ các vi chất thiết yếu, chiều cao sẽ khó bù đắp hoàn toàn trong những năm tiếp theo. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao giảm xuống và chỉ có một đợt tăng mạnh ở tuổi dậy thì trước khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và kết thúc vào khoảng năm 19 tuổi. Thành quả của tăng tốc chiều cao là của một quá trình can thiệp sớm, lâu dài và bền vững, can thiệp cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi để phục hồi chiều cao càng sớm càng tốt và mang tính liên tục.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2020 ghi nhận chiều cao của nam giới đạt 168,1 cm và nữ 156,2 cm. So với 10 năm trước, nam thanh niên tăng 3,7 cm, còn nữ tăng 2,6 cm. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 18,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành. Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thể thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi trên địa bàn huyện, đưa vào kế hoạch để triển khai thực hiện các chỉ tiêu về y tế nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời, có hiệu quả bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, cụ thể hóa các nội dung thực hiện để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng dân số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các xã, trong những năm qua việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như chất lượng dân số trên địa bàn huyện được cải thiện và nâng cao hơn các năm trước; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 21% (giảm 3,5% so với năm 2020), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,3% (giảm 1,1% so với năm 2020); các chính sách về dân số được thực hiện nghiêm túc, nhất là việc sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Dự kiến Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi tại Lâm Đồng với các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 10%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 15%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 3%. Duy trì Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại các xã khu vực III đã được triển khai trong giai đoạn I  (2021 - 2025). Có 80% trẻ em suy dinh dưỡng trên 6 - 23 tháng tuổi tại các xã khu vực III được cấp các sản phẩm dinh dưỡng; bao gồm cả các trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh.

Tại Lâm Đồng, ngành Y tế tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trong 9 tháng đầu năm 2024, có 54.373 trẻ từ 6 đến 36 tháng được uống Vitamin A đợt I, đạt tỉ lệ 99%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 10,18%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 14,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể béo phì là 0,38%.