Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao thứ hai trong tỉnh, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Các cuộc đối thoại chính sách cấp xã giữa hội viên, phụ nữ với chính quyền đã được giải đáp thấu đáo, tạo được sự tin tưởng của hội viên, phụ nữ và Nhân dân |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc quyết liệt của UBND các xã. Địa phương xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Trong đó, Nội dung 3 Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Tiểu dự án 2 Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm DTTS ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” được địa phương triển khai từ đầu năm 2022 đến nay.
Đối với Nội dung 3 Dự án 7, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng triển khai đánh giá, chọn thôn triển khai mô hình Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ, trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người DTTS. Qua đánh giá đã chọn 6 thôn triển khai mô hình gồm các thôn: 3, 4, 5 của xã Liêng S'rônh; các thôn Đa Tế, Đa La, Đa Xế của xã Đạ M’rông. Đồng thời, thành lập mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng tại các thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025 nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng. Bên cạnh đó, địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ để cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ, đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 27 tổ truyền thông cộng đồng tại 27 thôn đặc biệt khó khăn, thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông xóa bỏ định kiến giới, những tập tục văn hóa không còn phù hợp, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em với các nội dung chủ yếu như: phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; an toàn giao thông; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; phòng, chống thuốc lá và thuốc lá điện tử; phòng, chống buôn bán người; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm công nghệ cao… Qua đó thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Thành lập 3 địa chỉ tin cậy tại thôn Tu La (xã Đạ M’rông), thôn Ntôl (xã Đạ Tông), Thôn 5 (xã Liêng S'rônh). Đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại chính sách giữa hội viên, phụ nữ và chính quyền các xã; thành lập 6 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi ở các trường học vùng đặc biệt khó khăn. Huyện đã phối hợp các nguồn lực thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vào công tác tuyên truyền thực hiện các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua đó người dân hiểu và tham gia thực hiện tích cực. Từ đó vận dụng các nguồn lực giúp 464 hội viên phụ nữ thoát nghèo, 555 hội viên thoát cận nghèo.
Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 65% dân số toàn huyện, tập tục của người dân địa phương vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên địa phương không được phân bổ vốn mà nguồn vốn này hiện được UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tổ chức tuyên truyền, các hội nghị chuyên đề về “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; cử công chức, viên chức tham gia đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Đồng thời, thực hiện 1 mô hình điểm về can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Liêng S'rônh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết, việc triển khai thực hiện các dự án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tuy nhiên, Đam Rông là huyện thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi với 30 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống, phong tục tập quán sinh hoạt của mỗi dân tộc khác nhau; trình độ dân trí không đồng đều nên hiệu quả từ các đợt tuyên truyền chưa được như mong muốn; người dân sinh sống rải rác, không tập trung, một số tiểu khu xa trung tâm hành chính, giao thông đi lại khó khăn nên việc tổ chức triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, huyện không được cấp kinh phí thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9 nên việc triển khai chưa chủ động. Do đó, để triển khai hiệu quả các dự án trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp của huyện nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của địa phương, huyện cũng đã đề xuất với đoàn giám sát của tỉnh (Hội LHPN tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các dự án này) kiến nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí để chủ động trong công tác triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin