Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

THỤY TRANG 06:15, 11/11/2024

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã khẳng định vai trò, vị trí trong việc triển khai đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo Công an tỉnh trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến Hội Phụ nữ
Lãnh đạo Công an tỉnh trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến Hội Phụ nữ

Giai đoạn 2019-2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh triển khai đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, hai ngành đã chủ động phối hợp để phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), tuyên truyền phổ biến pháp luật, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, tái hòa hợp cộng đồng. Đồng thời, tổ chức truyền thông phòng, chống tội phạm liên quan phụ nữ và trẻ em, lồng ghép công tác giáo dục gia đình, khảo sát công tác phòng, chống tội phạm và hỗ trợ đối tượng nữ phạm nhân, vận động tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh công tác vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các cuộc vận động, phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác bảo đảm ANTT, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cơ sở.

Từ 2019 - 2024, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã chủ động phối hợp với lực lượng công an lồng ghép tổ chức 2.600 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT, xây dựng Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho trên 264.820 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Tổ chức 102 lớp tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, với 7.493 lượt chị em tham gia; tổ chức 50 buổi truyền thông pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại cộng đồng, bạo lực học đường, an toàn giao thông…, với trên 5.727 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và 720 học sinh tham gia. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể liên quan nhận cảm hóa, giáo dục 257 đối tượng thiếu niên chậm tiến, trong đó đã cảm hóa thành công 46 đối tượng. Ngoài ra, các cấp Hội còn tiếp nhận, phối hợp giải quyết 60 đơn thư và vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở địa phương, kịp thời có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ hoặc kiến nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 20 lớp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống mua bán người cho trên 1.800 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới cho 24 phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Cùng với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng tổ chức 267 buổi truyền thông trong cộng đồng và trường học cho 62.670 lượt người dân tham gia. 

Bên cạnh đó, đã phát 27.600 tờ rơi, tài liệu về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giáo dục nhân cách trẻ vị thành niên, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, an toàn cho trẻ lứa tuổi tiểu học khi sử dụng internet; phòng, chống xâm hại trẻ em; tín dụng đen, phòng, chống mua bán người, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thuế… Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn phối hợp đăng tải trên 1.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ nói chung, công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, mại dâm.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn duy trì hoạt động Mô hình “Tổ tự quản về an ninh, trật tự” tại Cơ quan chuyên trách Hội. Các cấp Hội duy trì hoạt động của 57 Câu lạc bộ “Phụ nữ pháp luật”, với hơn 2.700 thành viên; 11 Câu lạc bộ Phụ nữ ; 7 Câu lạc bộ Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên; 14 Câu lạc bộ về Phòng, chống bạo lực gia đình, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, duy trì 142 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, sinh hoạt 1-3 tháng/lần.

Quá trình hoạt động, nhiều mô hình đã phát huy được sức mạnh, ý thức tự giác của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, góp phần thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về các kiến thức công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT. Qua đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân giảm đáng kể, an ninh chính trị được bảo đảm, quần chúng Nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.