Cách đây 20 năm, Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2004 - 2009 đánh dấu sự ra đời của Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, từ đây, Hội trở thành chỗ dựa tin cậy của người khiếm thị trong tỉnh.
Ngôi nhà chung Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng luôn tràn ngập lời ca tiếng hát |
Qua nhiều lần chuyển dời chỗ ở, sự quan tâm cấp đất của tỉnh, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, từ năm 2010, trụ sở Hội khang trang được xây dựng, từ đó ngôi nhà số 1 Trần Quang Diệu (Phường 10, Đà Lạt) trở thành mái ấm chung cho người khiếm thị học tập, sinh hoạt.
20 năm qua, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở Hội, chăm sóc, hỗ trợ đời sống, tổ chức lao động sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục, đào tạo cho hội viên. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 người khiếm thị vì nhiều nguyên nhân khác nhau như do bệnh tật, tai nạn, do hậu quả chiến tranh.
Đã có 8/10 huyện, thành xây dựng được tổ chức Hội (trừ Lạc Dương và Đam Rông), Hội Người mù tỉnh và 4 hội cấp huyện được hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động từ ngân sách. Hội duy trì hoạt động hiệu quả 1 cơ sở đào tạo và phục hồi chức năng với 50 - 60 hội viên thường xuyên ăn ở, học tập và 3 cơ sở dịch vụ xông hơi, xoa bóp tác động tốt đến đời sống của người khiếm thị. Hội duy trì các lớp phổ cập chữ nổi, lớp tiền hòa nhập, xóa mù chữ, dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, vi tính, âm nhạc. Ngoài ra, Hội luôn có 10 em đang theo học hòa nhập tại các trường học trên địa bàn Đà Lạt, kết quả đều đạt học lực khá, giỏi; nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định.
Chỉ trong 5 năm gần đây, các cấp Hội đã vận động các nhà từ thiện, các cơ quan, doanh nghiệp phát gần 36 ngàn phần quà cho hội viên với tổng trị giá 9,2 tỷ đồng; vận động giúp đỡ đột xuất cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, hiếu hỷ, tặng học bổng, các bữa ăn từ thiện, thực phẩm hàng ngày… khoảng 3,5 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 470 người khiếm thị trong độ tuổi lao động, họ làm nhiều công việc khác nhau phụ giúp gia đình. Với mục tiêu hướng tới không còn người khiếm thị nghèo đói, thất học và không có việc làm, Hội đã bổ túc nâng cao tay nghề cho 15 người, đào tạo và kèm cặp, truyền nghề cho 202 lượt người khiếm thị với các nghề phù hợp với khả năng như: làm chổi đót cán nhựa, làm tăm, vi tính, xoa bóp bấm huyệt… Tổng kinh phí tổ chức dạy nghề, tạo việc làm là 2,28 tỷ đồng.
Đã có 421 lượt người mù được vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền 710 triệu đồng từ nguồn quỹ Trung ương Hội; phát triển 3 cơ sở xông hơi mát-xa, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo việc làm cho 30 kỹ thuật viên khiếm thị với mức lương bình quân 3 - 7 triệu đồng/người/tháng, mang lại doanh thu cho Hội 8,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 9 cơ sở xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt của cá nhân người mù mở ở các huyện, thành đều hoạt động khá tốt, tạo việc làm cho 50 người khiếm thị và cả người sáng mắt.
Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng cho biết: 20 năm qua, các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm cùng cộng đồng xã hội đã luôn đồng hành, giúp đỡ người mù. Hội thực sự trở thành một mái nhà chung, đoàn kết chăm sóc người mù, giúp cho người mù biết chữ, tham gia lao động sản xuất trong khả năng của mình. Hội thành lập thêm các trung tâm văn hóa, các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, giúp người mù thực hiện được ước mơ, hạnh phúc trong mọi mặt đời sống.
Tinh thần vươn lên của tập thể người mù, cùng sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội đã tạo điều kiện cho người mù được theo học các lớp hòa nhập cộng đồng, được học xóa mù chữ, giúp các học sinh khiếm thị thực hiện được ước mơ được đi học như bao trẻ em bình thường khác. Theo học các bậc học từ tiểu học đến đại học, và tìm được nghề nghiệp, công việc phù hợp với sở trường, khả năng, niềm đam mê của mình. Qua các chương trình dạy nghề, tạo việc làm đã giúp cho người mù tiếp cận được với việc làm phù hợp với khả năng điều kiện của người mù, để sống có ích với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng và xã hội. Qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, từ nguồn vốn hỗ trợ đầy ý nghĩa của nhà nước qua Hội Người mù Việt Nam và các tổ chức xã hội tại địa phương giúp cho người mù vươn lên. Chương trình xóa nhà tạm, nhà tranh tre dột nát của MTTQ Việt Nam tỉnh, kết nối sự giúp sức của những tấm lòng nhân ái đã chung tay đã giúp cho người mù có nhà kiên cố, sạch sẽ, không còn phải ở trong những ngôi nhà tạm, dột nát. Qua các chương trình bình đẳng giới đã giúp cho người mù hiểu rõ thêm về hạnh phúc, hôn nhân, gia đình. Cũng trong ngôi nhà chung của tổ chức Hội, đã giúp cho nhiều bạn trẻ cùng hoàn cảnh tìm thấy tâm hồn đồng điệu, tìm được nửa kia của cuộc đời mình, giúp xây dựng tổ ấm hạnh phúc, giúp cho họ thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ, sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Như vợ chồng anh Nguyễn Trung Trực, chị Phùng Ngọc; vợ chồng K’Cường và Ma Luyện và nhiều cặp vợ chồng khác.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh chăm lo đời sống cho hội viên cả về vật chất lẫn tinh thần, phối hợp cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ người mù. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, khắc phục tư tưởng hành chính hóa hoạt động hội, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập, cho vay vốn làm kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ hộ người mù nghèo. Không ngừng nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của người mù, hướng tới mọi người mù đều có việc làm, có khả năng tự nuôi sống bản thân, tự tin vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin