Cựu chiến binh Đam Rông với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

THỤY TRANG 06:21, 10/12/2024

Từ năm 2019 - 2024, Hội Cựu chiến binh huyện Đam Rông phối hợp với Công an huyện, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội cho trên 3 ngàn hội viên… 

 Đảm bảo quốc phòng - an ninh để phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo quốc phòng - an ninh để phát triển kinh tế - xã hội

Đam Rông là huyện vùng sâu, vùng xa, nằm ở phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, được thành lập từ cuối năm 2004, có diện tích tự nhiên trên 87 ngàn ha. Toàn huyện có 8 xã, 53 thôn; dân số 58.706 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 65,1%. Đây cũng là địa bàn đa dân tộc, đa tôn giáo, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều tuyến đường, sông, suối tiếp giáp với tỉnh bạn; và có nhiều dân tộc thiểu số ở phía Bắc vào sinh sống; kinh tế người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Trong 5 năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, tình hình kinh tế ⁃ xã hội, quốc phòng ⁃ an ninh của huyện đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Đam Rông, là địa phương có địa bàn giáp ranh với các huyện bạn, tỉnh bạn nên tình hình an ninh trật tự có lúc còn diễn biến phức tạp, khó lường, như: Phạm pháp hình sự, tai nạn, tệ nạn xã hội còn xảy ra. Số đối tượng từ nơi khác đến lừa đảo, trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân trong huyện, trong khi diện tích đất đai rộng, địa hình phức tạp, lực lượng công an còn mỏng nên phần nào cũng hạn chế đến hiệu quả trong việc phối hợp với lực lượng công an trong công tác phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, huyện Đam Rông đã xác định xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dựa vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, lấy lực lượng Công an làm nòng cốt, công tác này phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng. Sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, từ đó xây dựng kế hoạch công tác phù hợp cho từng thời điểm, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Cùng với đó, để phát triển kinh tế - xã hội, trước hết phải ổn định về quốc phòng ⁃ an ninh. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập huyện, các cấp, các ngành luôn có nhiều chủ trương, biện pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được quan tâm phát động, triển khai thực hiện một cách đồng bộ và đạt được nhiều kết quả, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, thực hiện kế hoạch phối hợp giữa ngành Công an với đoàn thể các cấp; từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội, của Hội Cựu chiến binh tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, sự giúp đỡ của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng công an, qua đó Công an và Hội Cựu chiến binh huyện, đã triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện đạt nhiều kết quả trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cụ thể, từ năm 2019-2024, Hội Cựu chiến binh huyện đã phối hợp với Công an huyện tổ chức cho 8 cấp Hội ký cam kết và tổ chức tuyên truyền cho hơn 3.000 hội viên Hội Cựu chiến binh không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Cùng với đó, đã vận động cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh cùng các thành viên trong gia đình nêu cao tinh thần tự giác, phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội. Hằng năm đều tổ chức cho các hội viên, người dân ký cam kết bảo đảm "An toàn về an ninh, trật tự", đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành "điểm nóng về an ninh, trật tự”.

Hội Cựu chiến binh huyện cũng luôn phát huy truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ thi đua gương mẫu trên các lĩnh vực. Đồng thời, tham gia phối hợp tích cực, có trách nhiệm với ngành Công an trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có chủ trương, biện pháp bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, khu dân cư.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện cho biết, các mô hình 1+1, 1+2, 1+3 vừa giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vừa là tổ hòa giải ở cơ sở, lựa chọn, giới thiệu cán bộ, hội viên đủ tiêu chuẩn để tham gia vào các tổ an ninh, tổ phòng, chống cháy, nổ ở cơ sở do chính quyền và công an xã thành lập, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, nhận quản lý, giáo dục cảm hóa 12 đối tượng, có án treo quản lý tại địa phương; đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp đỡ cho 5 trường hợp hết hạn tù trở về địa phương được vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Hội còn phối hợp tổ chức các hoạt động làm công tác dân vận, giáo dục cho thế hệ trẻ; tổ chức tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh, trật tự, chốt trực tại các điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cung cấp hàng chục thông tin, liên quan đến an ninh trật tự cho ngành Công an. 

Thông qua các hoạt động, công tác phối hợp giữa ngành Công an với Hội Cựu chiến binh các cấp trong huyện, đã cơ bản thực hiện tốt các nội dung, phần việc theo kế hoạch đề ra. Qua đó, phát huy được vai trò của Hội Cựu chiến binh huyện trong thực hiện tốt Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện; góp phần đảm bảo an ninh, chính tri, trật tự an toàn xã hội. 

Cũng theo lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Đam Rông, kết quả hàng năm đều được cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận, và trên hết là được Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ, tích cực thực hiện phong trào.