Trước năm 1975, xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) trực thuộc quận Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phiên hiệu của xã Lộc Lâm là xã 4 (gồm toàn bộ xã Lộc Lâm ngày nay và một phần xã Lộc Phúc - tức xã 6 trước kia) - một địa bàn chiến lược quan trọng, căn cứ địa cách mạng nằm ở phía Bắc trục đường 20. Nay, xã Lộc Lâm đang chuyển mình mạnh mẽ cùng huyện Bảo Lâm trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Một góc Lộc Lâm hôm nay |
Trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc Lâm ghi rõ, năm 1962, dân số của xã 4 chỉ có khoảng 325 người, hầu hết là người bản địa Mạ. Ngày 28/3/1975, T29 - mật danh của quận Bảo Lộc - hoàn toàn giải phóng, xã 4 bấy giờ vẫn thuộc K1. Năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định nhập một phần xã 6 vào xã 4, lấy tên là xã Lộc Lâm, thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đảng bộ xã Lộc Lâm lúc đó có hơn 50 đảng viên. Năm 1994, huyện Bảo Lộc tách thành 2 đơn vị hành chính, gồm thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Lộc Lâm cũng chia tách thành 2 đơn vị hành chính: xã Lộc Lâm và xã Lộc Phú, trực thuộc huyện Bảo Lâm.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ năm 1994 đến năm 2024, xã Lộc Lâm đã có những bước tiến dài, cả trong xây dựng Đảng lẫn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo UBND xã Lộc Lâm, dân số của xã Lộc Lâm hiện có 723 hộ, với 2.662 khẩu. Trong đó, 2.160 khẩu là người dân tộc thiểu số (Mạ, K’Ho, Dao, Tày, M’nông, Thái, Mường, Sedang, Sái Dìu, Raglay...), chiếm 81% dân số. Số lượng đảng viên cũng phát triển không ngừng, từ chỗ có hơn 50 đảng viên khi mới thành lập (năm 1977) đến nay (năm 2024) số đảng viên của Đảng bộ xã Lộc Lâm đã tăng 108 đảng viên (Đảng bộ xã Lộc Lâm khóa XIII - nhiệm kỳ 2020 - 2025), sinh hoạt ở 8 chi bộ Đảng trực thuộc. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc Lâm khóa XIII gồm 13 đảng viên (năm 1977, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc Lâm gồm 7 đảng viên). Đảng vững mạnh là yếu tố tiên quyết giúp xã Lộc Lâm có những bước tiến đáng kể về kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Lộc Lâm, Nhân dân nơi đây từng bước đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Nhờ đó, đời sống của Nhân dân ngày càng ổn định. Cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) ở xã Lộc Lâm cũng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư, nâng cấp nên càng ngày càng khang trang, hiện đại. Đời sống văn hóa phát triển theo hướng văn minh, bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, người dân xã Lộc Lâm còn tiếp biến những giá trị văn hóa mới để làm dày thêm vốn văn hóa giàu bản sắc của địa phương.
Trong định hướng phát triển, xã Lộc Lâm xác định vẫn giữ 2 cây trồng chủ lực của địa phương là cà phê và chè, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, kết hợp với trồng xen các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, xã Lộc Lâm còn có thế mạnh về rừng (trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu, dịch vụ chi trả môi trường rừng...). Địa phương Lộc Lâm cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như thác 3 tầng, hồ Thủy điện Đồng Nai 3 và hồ Thủy điện Đồng Nai 4, Thủy điện Đạ Kơi... Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Lâm, thu nhập bình quân đầu người ở xã Lộc Lâm hiện đạt gần 50 triệu đồng/năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin