Đam Rông từng là một trong những huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, từ một huyện vùng khó ngày nào giờ Đam Rông đã không ngừng đổi thay về diện mạo cũng như đời sống của người dân…
Cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng khó khăn |
• “THAY ÁO” MỚI
Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập huyện, các xã vùng khó khăn, vùng “trũng” Đầm Ròn nay đã đổi thay nhiều với cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện: Hệ thống giao thông nông thôn, điện, nước, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang; nhiều hộ người dân tộc bản địa đã xây dựng nhà ở kiên cố, sạch đẹp, đời sống ngày càng cải thiện.
Đến thăm xã Đạ Long và qua trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Lơ Mu Ha Poh, được biết: “Đến nay, Đạ Long đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) và sẽ được công nhận là xã đạt chuẩn NTM trong thời gian tới. Qua nhiều năm cần cù lao động sản xuất, đời sống của đồng bào nơi đây đã dần ổn định. Tỷ lệ nghèo đa chiều của toàn xã giảm còn 9,93%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,42 triệu đồng/người/năm và nhiều hộ đã vươn lên khá giả”.
Chia tay xã Đạ Long, chúng tôi xuôi theo dòng Krông Nô tới thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, nơi sinh sống của 202 hộ đồng bào các dân tộc K’Ho (nhánh Cil) và M’Nông. Ông Kơ Dơng Ha En, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông bày tỏ: “Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực chăm chỉ, chịu khó lao động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, kết hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên nhiều hộ dân thôn Mê Ka đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Tương tự, đến với các thôn ở các xã Đạ M’rông, Liêng S’rônh trong những tháng cuối năm, chúng tôi được chứng kiến không khí bà con vui tươi thu hái, vận chuyển cà phê bằng máy cày, máy kéo bon bon trên khắp nẻo đường, xen lẫn cảnh phơi thu gom cà phê…, từ các thôn ở khu trung tâm xã cho đến vùng sâu, vùng xa như Tiểu khu 179 (Thôn 5, xã Liêng S’rônh), nơi sinh sống của 120 hộ, với hơn 700 nhân khẩu đồng bào dân tộc H’Mông, đâu đâu cũng thấy một diện mạo mới.
Nếu như 15 năm trước, các xã Đầm Ròn còn rất nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vất vả thì đến nay, đã thực sự “thay da, đổi thịt” với những căn nhà mới kiên cố, khang trang, đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê-tông và xe máy, máy cày, máy kéo, ô tô xuất hiện ngày càng nhiều, minh chứng cuộc sống mới đã thật sự về với bà con trong buôn.
• NHỮNG THÀNH TỰU XÂY DỰNG NTM
Sau gần 15 năm tham gia Phong trào Xây dựng NTM, diện mạo các xã vùng khó khăn của huyện Đam Rông đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Đến nay, 4/4 xã vùng khó khăn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có 2 xã Đạ M’rông và Đạ Tông đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2023; 100% đường trục liên xã được nhựa và bê-tông hóa; gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; các dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, internet đã được phủ sóng đến các xã… Tại đây, người dân nhất là hộ nghèo, cận nghèo, người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người già neo đơn…, được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cũng như được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…
Không chỉ làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân, Phong trào Xây dựng NTM tại các xã vùng khó khăn đã góp phần đáng kể vào thành quả chung trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện. Theo ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông: “Nếu như năm 2010, các xã vùng khó khăn trên địa bàn huyện chỉ đạt từ 2 đến 3 tiêu chí thì đến cuối năm 2023, đã có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM và đến nay có thêm 2 xã Đạ Long và Liêng S’rônh đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Từ Chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã vùng khó khăn được Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm đầu tư nhiều hơn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin