Qua 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lạc Dương.
Truyền thông góp phần xóa bỏ hủ tục và định kiến giới trong vùng đồng bào DTTS tại Lạc Dương |
Huyện Lạc Dương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh với 66,74% dân số. Là 1 trong 7 huyện trên địa bàn tỉnh được chọn triển khai Dự án 8, ngay từ khi thực hiện vào cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lạc Dương nhanh chóng bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình và phối hợp với các phòng, ban, trường học, địa phương tiến hành cho phù hợp, bám sát tình hình thực tế.
Bà Nguyễn Thụy Thu Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Dương cho biết: Huyện có 5 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi được thụ hưởng chương trình, gồm: thôn Păng Tiêng I, xã Lát; thôn Long Lanh, xã Đạ Chais; Thôn 2, thôn Đưng Trang và thôn Lán Tranh, xã Đưng K’nớ. Nhằm đưa các nội dung của Dự án triển khai một cách đồng bộ, Hội LHPN huyện đã tổ chức tập huấn cho các đối tượng là lãnh đạo UBND xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã; cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã; cán bộ văn hoá xã; đại diện ban giám hiệu các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn 3 xã; bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chi hội trưởng, chi hội phó, trưởng ban công tác Mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng, hội viên nòng cốt, cốt cán tại các xã, thôn.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, tuyên truyền những tập tục văn hoá có hại, một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, bạo lực học đường, phòng tránh tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ em… nhằm hướng đến mục đích xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị…
Đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức ra mắt và duy trì hoạt động 5 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; xây dựng và thành lập, duy trì 5 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại 5 thôn; ra mắt 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Xã Lát, Trường THCS Đưng K’nớ và Trường THCS Long Lanh. Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ vật dụng thiết yếu vận hành các mô hình.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép giới cho trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng; tổ chức các cuộc đối thoại các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại địa bàn triển khai thực hiện Dự án 8; tổ chức giao lưu sáng kiến truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình trong phụ nữ DTTS; liên hoan tổ truyền thông cộng đồng chung tay đẩy lùi các hủ tục; giao lưu với người có uy tín trong vận động cộng đồng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tập huấn nâng cao kiến thức, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội, tạo thu nhập và lồng ghép giới… Qua đó làm thay đổi nhận thức của Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình trên cơ sở giới.
Bên cạnh các hoạt động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, Hội LHPN huyện cũng triển khai các mô hình nhằm chung tay xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hội LHPN huyện đã xây dựng 3 Mô hình: “Trồng hoa và chỉnh trang tuyến đường khu dân cư sạch, đẹp” tại thôn Đạ Nghịt 1, xã Lát; “Tuyến đường hoa” tại Thôn 3, xã Đạ Sar; “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp” tại xã Đưng K’nớ. Đồng thời, thường xuyên phát động ra quân dọn vệ sinh, thu gom xử lý rác thải bảo vệ môi trường, thường xuyên chăm sóc hoa, cây cảnh xung quanh nhà ở của các hộ gia đình, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn tham gia.
“Các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm đạt được một số hiệu quả nhất định như nhận thức của các tầng lớp Nhân dân được nâng cao; một số hủ tục, tập quán lạc hậu dần được xoá bỏ, nhất là tư tưởng trọng nam, khinh nữ; trong lĩnh vực gia đình vai trò của người phụ nữ được cải thiện đáng kể, người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, vào các hoạt động sản xuất tạo thu nhập cho gia đình, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Từ việc tham gia các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” đã giúp nhiều hộ hội viên phụ nữ DTTS khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, mạnh dạn học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất, chủ động vươn lên tạo ra của cải, thu nhập bằng chính nội lực của mình. Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và nhu cầu của gia đình phụ nữ DTTS”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Dương Nguyễn Thụy Thu Thủy cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin