Tết thường đồng nghĩa với nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình sau 1 năm làm việc vất vả. Nhưng vẫn có những người trong 3 ngày Tết Nguyên đán vẫn chỉ nghỉ được chừng 1 ngày, 2 ngày còn lại vẫn phải đi làm để duy trì những con đường trong thành phố luôn sạch, đẹp.
Các thành viên của Đội Vệ sinh môi trường thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt trong cuộc gặp mặt do UBND TP Đà Lạt tổ chức trong tháng 12/2024 |
• MỖI NGƯỜI MỘT CÔNG VIỆC
Với nụ cười tươi, chị Ngô Thị Nga - một công nhân vệ sinh môi trường Đà Lạt cho tôi biết rằng: “Em đã tốt nghiệp đại học và có bằng kế toán đó”. Sinh năm 1991, người Nam Định, chị Nga vào học kế toán tại Trường Đại học Đà Lạt, ra trường, chị cũng tìm được việc làm đúng chuyên môn của mình tại một doanh nghiệp ở Đà Lạt. Rồi chị lập gia đình năm 2014, sau đó liên tiếp 2 đứa con ra đời, cách nhau vài năm. Con nhỏ, chị phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc, chỉ còn mình chồng đi làm. Trong năm 2019, sau khi sinh con thứ hai, có người giới thiệu, chị Nga xin vào làm việc và trở thành nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt.
“Lúc đầu cũng có phân vân, có người nói học đại học sao đi làm công nhân vệ sinh, nhưng em thấy công việc này khá phù hợp với hoàn cảnh của em lúc đó. Em cần có việc để phụ cùng chồng nuôi con và công việc này còn cho em có thời gian để chăm con nhỏ. Hằng ngày, cứ từ 4 giờ 30 chiều đến khoảng 10 giờ 30 tối là xong việc. Chiều tối thì chồng đã về nhà phụ trông con để mình đi làm. Công việc thì chỉ đi làm chiều tối còn ban ngày thì ở nhà trông con nên rất thuận tiện”, chị Nga cho biết.
Cùng với chị Đỗ Thị Nga, một công nhân vệ sinh môi trường khác mà chúng tôi gặp, chị Ka Thuis, sinh 1988, người K’Ho tại Đinh Lạc, Di Linh, hiện sinh sống tại Đà Lạt, cũng có đến 2 tấm bằng từ một trường cao đẳng của tỉnh. Ka Thuis cho biết, chị từng học Trung cấp Nông nghiệp 2 năm chuyên về cấy mô tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, sau đó làm nhân viên cấy mô tại Đà Lạt nhưng chỉ được 1 thời gian thì nghỉ vì lương thấp quá không đủ sinh sống. Rồi chị quay lại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt để tiếp tục học Cao đẳng Kế toán, 3 năm sau tốt nghiệp, chị làm việc trong một số doanh nghiệp một thời gian rồi quay ra kinh doanh tại chợ Đà Lạt.
Công việc ổn thì đại dịch COVID-19 đến, mọi thứ buôn bán đều đình trệ, mất vốn, Ka Thuis phải trả lại quầy thuê, không có việc làm, được 1 người quen giới thiệu vào làm việc tại Đội Vệ sinh môi trường Đà Lạt. “Lúc đầu, mọi người thấy đi làm cũng nói ra nói vào, sao ăn học có bằng mà đi làm công nhân vệ sinh, nên cũng suy nghĩ. Nhưng việc nào cũng như việc nào, có việc là mừng rồi, huống chi làm ở đây việc rất ổn định, nắng mưa đều có việc, thu nhập cũng được nên em thấy rất thoải mái”, Ka Thuis nói.
Giống như chị Ngô Thị Nga, Ka Thuis cũng thấy công việc này phù hợp cho mình về mặt thời gian trong lúc con chị còn nhỏ. Chồng làm nghề tự do bận rộn cả ngày nên Ka Thuis chỉ đi làm được lúc chiều tối. Ban ngày không đi làm nên chị có thể đưa đón con đi học. Con chị hiện học lớp 7, buổi sáng sau khi đưa con đi học, chị còn đi làm phụ bếp ở các nhà hàng tiệc cưới.
Trong đội vệ sinh môi trường Đà Lạt có không ít những người đã từng làm việc nơi đây lâu năm và làm rất giỏi, rất siêng năng. Một trong số đó là chị Trần Thị Bích Hoàng, sinh 1977, đã có 26 năm làm việc ở đây. Quê Hà Nam, chị Hoàng cùng gia đình vào lập nghiệp ở Đà Lạt năm 1998, khi chị 21 tuổi. Sau đó 1 năm, chị bắt đầu vào làm cho đội vệ sinh môi trường thành phố đến nay. “Mỗi người một việc. Với lại tôi thấy công việc này rất thuận tiện cho tôi vì làm lúc chiều tối, chỉ khi cần mới tăng ca làm ban ngày. Còn hầu hết các ngày ban ngày ở nhà làm việc nhà, chăm con. Vợ chồng tôi có 3 cháu đều ăn học”, chị Hoàng cho biết. Làm lâu, quen việc nên công việc với chị Hoàng có vẻ nhẹ nhàng. Con đường chị phụ trách quét thu gom rác ban đêm ngay khu vực trung tâm TP Đà Lạt dù nhiều trường học và khách sạn nhưng luôn sạch sẽ.
Nhiều công nhân Đội Vệ sinh môi trường đang tham gia trong một đợt ra quân bảo vệ môi trường của TP Đà Lạt |
• TẾT CŨNG PHẢI ĐI LÀM
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Đội trưởng Đội Vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt, tổng cộng có 204 lao động đang làm việc trong đội với nhiệm vụ quét nhặt, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt hằng ngày để giữ cho thành phố sạch, đẹp. Trong số đó có 141 người quét nhặt, thu gom rác thải sinh hoạt; 40 người thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (bốc xếp); 23 người là bác tài vận chuyển rác thải sinh hoạt. Thu nhập bình quân của Đội hiện nay là 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện Công ty đang phụ trách việc quét, thu gom rác thải sinh hoạt của 12 phường, 4 xã trên toàn địa bàn Đà Lạt trong đó việc quét rác, nhặt rác và thu gom rác thải sinh hoạt sẽ tổ chức vào ban đêm trên 165 tuyến đường (với tổng chiều dài hơn 178 km); duy trì sạch, đẹp cho đường phố ban ngày với trên 49 tuyến đường (với tổng chiều dài hơn 116 km); thực hiện vệ sinh trên 70 khu vực ngõ xóm (với tổng chiều dài hơn 27 km).
Các thành viên của Đội cũng tham gia ra quân tổng vệ sinh trên toàn địa bàn vào ngày thứ Bảy cuối cùng hàng tháng. Những dịp lễ, khi thành phố tổ chức lễ hội, Đội sẽ ra quân tổng vệ sinh trước khi diễn ra các chương trình. Các thành viên trong đội cũng phối hợp với các phường, xã tham gia ra quân Chủ nhật xanh vì môi trường. Gần đây, Công ty đã đầu tư 2 xe đạp điện để các công nhân trong Đội sử dụng nhặt rác hàng ngày quanh hồ Xuân Hương.
Sau khi thu gom về điểm tập kết, toàn bộ rác thải sinh hoạt trong thành phố được xe chở rác vận chuyển về nhà máy tại xã Xuân Trường để xử lý. Gần đây, Công ty đã bố trí thêm 4 xe có tải trọng 500 - 800 kg để thu gom rác trong các ngõ, xóm nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân quét rác. Trong năm 2024, Công ty cũng bố trí thêm 1 tuyến xe để thu gom rác nâng số tuyến thu gom hiện nay lên 21 tuyến; bố trí 2 tuyến xe để thu gom 122 thùng rác 600 lít khu vực trung tâm thành phố. Tổng lượng rác thu gom trong năm 2024 vừa qua khoảng 131 ngàn tấn.
Theo ông Hoàng, Đội vệ sinh môi trường còn tham gia vệ sinh suối Cam Ly - Phan Đình Phùng, vớt rác thủ công trên thành mương và dưới lòng suối, xén cỏ lề, làm cỏ trên thành mương, thu dọn rác dưới lòng suối; thu gom phế thải. Đội còn thu gom rác, bèo xung quanh và trên mặt hồ Hạt Đậu trong khu vực trung tâm bằng thủ công; xử lý rêu, tảo tại hồ này bằng chế phẩm sinh học.
Đặc biệt, trong dịp Tết, Đội thực hiện việc tưới nước rửa đường tại các con đường trung tâm Đà Lạt (với chiều dài gần 20 km). Cùng đó, cho tăng cường toàn bộ nhân lực làm việc trong tất cả các ngày cận Tết, từ 28 Âm lịch. Riêng đêm 30 Tết, bố trí tăng ca nhằm thu gom toàn bộ lượng rác thải trong ngày, không để tồn đọng rác trước 6 giờ sáng mùng 1 Tết. “Cực nhất là 3 ngày cao điểm trước Tết cần phải thu gom, vận chuyển hết số rác thải trong thành phố để đón Tết. Còn trong Tết chỉ trừ ngày mùng 1 Tết được nghỉ, còn lại các công nhân đều phải đi làm. Trong nửa đầu tháng Giêng Âm lịch, du khách đổ về Đà Lạt rất đông, anh chị em trong Đội cũng phải cật lực để giữ cho một thành phố du lịch sạch, đẹp”, ông Hoàng cho biết.
Với chị Nga, chị Ka Thuis, chị Hoàng, ngày thường hay Tết đều phải làm tốt công việc của mình. Ngắm nhìn những con đường sạch, đẹp tinh khôi trong buổi sáng, với họ cũng là niềm vui. “Chúng em chỉ mong những người dân thành phố và du khách khi đến đây cùng chia sẻ trách nhiệm giữ gìn thành phố sạch, đẹp bằng cách bỏ rác đúng chỗ, với người dân là bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định là mừng rồi”, chị Nga nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin