Rộn ràng mùa thu hoạch nếp quýt, làm rượu đòng đòng

H.SA - H THẮM 03:07, 14/01/2025

Thời điểm này, các cánh đồng trồng nếp quýt tại xã An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai đã nhuộm màu vàng rực. Nông dân rộn ràng bước vào giai đoạn chính vụ thu hoạch nếp quýt; làm rượu đòng đòng nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Người dân tách những bông nếp còn ngậm sữa để làm rượu đòng đòng
Người dân tách những bông nếp còn ngậm sữa để làm rượu đòng đòng

Theo người dân địa phương, nếp quýt có nguồn gốc từ người dân tộc Tày, Nùng ở Tây Bắc đưa về trồng tại địa phương vào những năm 1988. Nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà hạt lúa tròn đầy, dẻo thơm ngay cả từ khi còn trên cánh đồng. Đặc biệt, chỉ vùng đất xã An Nhơn và một phần thị trấn Đạ Tẻh mới canh tác được cây lúa này và cho chất lượng, năng suất cao nhất.

Hiện nay, toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 450 ha trồng nếp quýt. Tất cả diện tích này đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, có khoảng 5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nếp quýt được người tiêu dùng ưa chuộng vì thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là đồ xôi, để cả ngày vẫn còn dẻo và thơm.

Chị Hoàng Thị Oanh - đại diện hợp tác xã (HTX) Quyết Tâm cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, HTX đã chuẩn bị khoảng 40 tấn nếp quýt thành phẩm để cung cấp, phục vụ thị trường. Ngoài ra, HTX cũng chuẩn bị thêm hàng trăm bình rượu đòng đòng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Theo chị Oanh, từ năm 2019, sản phẩm Nếp Quýt Đạ Tẻh đã được công nhận và xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP tại Lâm Đồng, góp phần cho thương hiệu nếp quýt càng khẳng định tên tuổi trên thị trường. Qua đó, hầu như bất kỳ thời điểm nào, sản phẩm nếp quýt luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt hơn, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, sản phẩm này lại càng được thị trường hút hàng. 

Cao điểm thị trường tiêu thụ loại đặc sản này bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến ngày 20 tháng Chạp Âm lịch. Thị trường chủ lực là các tỉnh, thành Nam Bộ như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu… Riêng sản phẩm hữu cơ được một doanh nghiệp liên kết, bao tiêu và xuất khẩu. Ngoài ra, đơn vị cũng mở rộng kênh phân phối qua các đại lý bán lẻ vào các cửa hàng tạp hóa. Đồng thời, tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử. Riêng trong dịp Tết, thị trường rất hút hàng, HTX phải liên kết với người dân để thu mua lúa chín, sau đó chuyển về nhà máy ở tận miền Tây để xay xát cho đảm bảo chất lượng, rồi mới chuyển ngược về đây để đóng gói thành phẩm.

Từ năm 2021, không chỉ bán gạo nếp quýt, người dân nơi đây còn tạo ra sản phẩm độc đáo như rượu đòng đòng nếp quýt. Người Tày, Nùng đã ngâm đòng đòng đang thì “con gái” với một số nguyên liệu bí truyền khác để cho ra loại rượu có hương thơm, vị thanh. Rượu đòng đòng nếp quýt rất được ưa chuộng dịp Tết với giá bán từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/bình, tùy kích cỡ lớn, nhỏ.

Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho hay, nếp quýt là đặc sản của bà con Tày, Nùng với những giá trị đặc trưng về chất lượng không pha lẫn với bất kỳ loại nếp nào. Đây cũng là mặt hàng được ưa chuộng và đắt khách vào dịp Tết. Vụ mùa năm nay, mỗi ha canh tác nếp quýt đạt sản lượng trung bình từ 6 - 6,5 tấn. Năm nay, giá nếp quýt bán tại ruộng cũng tăng cao, đạt 12.000 đồng/kg, và 32.000 - 34.000 đồng/kg gạo nếp nên bà con rất vui mừng, phấn khởi.  

Sản phẩm nếp quýt còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Nếp quýt Đạ Tẻh” từ năm 2016 và đã có mặt trên bản đồ gạo đặc sản Việt Nam. Hiện nay, thương hiệu “Nếp quýt Đạ Tẻh” đã được các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Lâm Đồng cấp tem truy xuất nguồn gốc cho 1 HTX, 3 cơ sở kinh doanh và 1 doanh nghiệp sử dụng, qua đó thương hiệu “Nếp Quýt Đạ Tẻh” càng khẳng định tên tuổi trên thị trường.