Những dự án, ý tưởng lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 7, năm 2024 do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức tập trung hướng đến các sản phẩm gồm thảo dược, thổ cẩm, du lịch, cà phê, dâu tây... Kết hợp giữa việc phát huy những tài nguyên là thế mạnh của địa phương với sự đổi mới, sáng tạo; các nhóm tác giả đã “xây” nên ý tưởng, giấc mơ khởi nghiệp, với mong muốn đưa sản phẩm đặc trưng của quê hương mình phát triển, vươn xa.
Nhóm tác giả Trường Đại học Yersin Đà Lạt với các sản phẩm của Dự án "IVYDaLat - Bộ sản phẩm hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp từ thảo dược tại Đà Lạt” |
NÂNG CAO GIÁ TRỊ THẢO DƯỢC ĐÀ LẠT
Những ngày cuối năm của nhóm giảng viên, sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt gồm Nguyễn Văn Chính, Lê Thị Đan Tâm, Dương Thảo Nguyên rộn ràng niềm vui, bởi bên cạnh giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức, Dự án “IVYDaLat - Bộ sản phẩm hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp từ thảo dược tại Đà Lạt” của nhóm cũng vừa xuất sắc đoạt giải Nhì Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ (RnD to Startup) 2024. Anh Nguyễn Văn Chính - giảng viên Khoa Y dược, Trường Đại học Yersin Đà Lạt chia sẻ: “Đây là một vinh dự, tự hào và cổ vũ, động viên tinh thần to lớn của chúng tôi, bởi cuộc thi có sự tranh tài của 206 dự án đến từ học sinh, sinh viên hơn 80 trường đại học, trung học phổ thông trên cả nước. Để vào được vòng thi cuối cùng, nhóm chúng tôi đã phải vượt qua 4 vòng thi cam go với sự đánh giá kỹ lưỡng từ 30 giám khảo là CEO các doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia từ quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp”.
Dự án IVDaLat sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược tại Lâm Đồng, đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển bốn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, gồm IVYfilm, MV candy, IVYsiro, và IVYspray. Những sản phẩm này sử dụng dược liệu tự nhiên trồng nhiều ở Đà Lạt như: Lá thường xuân, gừng, quất, mật ong để giảm viêm, giảm ho và hỗ trợ hệ hô hấp.
Dự án áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, bao gồm công nghệ chiết xuất và bào chế, đặc biệt là dạng phim tan trong miệng (film) giúp tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra, dự án còn tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, thần kinh và xương khớp.
Anh Nguyễn Văn Chính cho biết: “Hiện nay, tình trạng mắc các bệnh về đường hô hấp đang càng ngày gia tăng, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Trong khi đó, Đà Lạt có rất nhiều loại dược liệu có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng chưa được sử dụng triệt để, trong đó đáng chú ý nhất là cây thường xuân. Với những lý do trên, nhóm tác giả đã lên ý tưởng và thực hiện dự án với mục tiêu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm hỗ trợ và điều trị một số bệnh về đường hô hấp sử dụng nguồn dược liệu tại Đà Lạt. Chúng tôi mong muốn góp phần phát triển ngành trồng dược liệu và sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại địa phương”. Một điểm nổi bật của dự án hiện đang được các tác giả thực hiện là triển khai mở rộng vùng trồng dược liệu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển bền vững và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Chị Ka Thuân giới thiệu sản phẩm trong Dự án "Đem thổ cẩm đến với mọi người" |
ĐEM THỔ CẨM ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI
Đó là tên dự án đã đoạt giải Nhì của chị Ka Thuân - một cô gái K'Ho sinh ra và lớn lên tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh. Từ nhỏ, chị đã yêu tha thiết những tấm vải thổ cẩm, lòng hân hoan hạnh phúc mỗi lần được mang lên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thế nhưng, chị chưa bao giờ nghĩ chính tay mình sẽ may nên những bộ trang phục ấn tượng đó. Ấy vậy mà sau những đổi thay trong cuộc sống, chị Ka Thuân lại gắn bó với tình yêu và niềm tự hào từ thuở nhỏ của mình lúc nào không hay.
Nhận thấy tiềm năng của trang phục thổ cẩm, ban đầu, chị Ka Thuân nhập hàng đã may sẵn, đăng hình lên zalo, facebook để bán online và nhận được sự yêu thích của nhiều người. Số lượng khách hàng tìm đến ngày càng nhiều hơn, lượng đơn hàng cũng tăng nhanh khiến bên cung cấp không đáp ứng kịp. Chị nghĩ đến việc tự thiết kế, may đo cho khách hàng của mình. Vậy là, từ chiếc máy may gia đình, từ những tấm vải thổ cẩm luôn có sẵn trong nhà, chị Ka Thuân bắt đầu mày mò học những đường kim mũi chỉ đầu tiên. Chị học từ người thân, học qua youtube, tìm hiểu thêm trên mạng. Dần dần, những bộ trang phục đầu tiên được hoàn thiện, nhận được sự hài lòng của khách hàng. Tiệm may của chị Ka Thuân từ đó được hình thành và duy trì cho đến hôm nay. Khách hàng của chị không chỉ có người dân trong thôn, trong xã, mà còn từ những nơi khác trong huyện, trong tỉnh, và có cả những vị khách nước ngoài.
Chị Ka Thuân chia sẻ, sở dĩ sản phẩm của chị nhận được sự yêu thích của nhiều người, bởi sự kết hợp hài hòa giữa vải thổ cẩm truyền thống với các loại phụ kiện và thiết kế hiện đại càng làm cho bộ trang phục thêm đẹp mắt và có tính ứng dụng cao. Bây giờ, chị Ka Thuân còn nhận dạy nghề cho 6 người khác trong thôn. Không những may trang phục, chị còn làm nên nhiều sản phẩm khác từ vải thổ cẩm như túi xách, cà vạt, kẹp tóc,...
Từ tiệm may nhỏ 40 m2, những bộ trang phục từ thổ cẩm của chị Ka Thuân đã đến với những buổi trưng bày trong các dịp lễ hội ở huyện, ở tỉnh. Điều này làm chị vô cùng tự hào và hãnh diện, bởi thổ cẩm đã thật sự được đến gần hơn với nhiều người. Và chị Ka Thuân hiểu rằng, việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đều bắt đầu từ tình yêu và niềm tự hào đó.
Các sản phẩm trong Dự án “IVYDaLat - Bộ sản phẩm hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp từ thảo dược tại Đà Lạt” |
TẬN DỤNG THẾ MẠNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Ngoài 2 dự án, ý tưởng xuất sắc đoạt giải Nhất, Nhì, vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ 7 còn là màn tranh tài của 7 dự án khác, với những sản phẩm độc đáo xuất phát từ thế mạnh của từng địa phương trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Trong đó, có thể kể đến như Dự án “Du lịch sự kiện kết hợp với trải nghiệm sinh thái, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương” của tác giả Lê Văn Sơn đến từ TP Đà Lạt; Dự án “Coff & Avo scrub làm sáng và mịn da với công thức độc đáo từ hạt cà phê và dịch chiết từ hạt bơ” của nhóm tác giả đến từ Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng; Dự án “Sản xuất và kinh doanh sản phẩm trà rừng túi lọc” của nhóm tác giả đến từ huyện Đức Trọng; Dự án “Spihitech nhiên cứu ứng dựng sản xuất tảo xoắn Spirulina từ quy trình nuôi tảo xoắn công nghệ cao” của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Yersin Đà Lạt...
Anh Trương Quốc Tùng - Trưởng Ban Phong trào, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Giám khảo Cuộc khi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2024 nhận định: “Có thể thấy, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham gia và đoạt giải trong những năm qua đều dựa trên thế mạnh vốn có của các địa phương mà tác giả đang sinh sống, học tập, làm việc. Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đang dần khẳng định vị trí trong hệ sinh thái khởi nghiệp chung của tỉnh Lâm Đồng. Điều này cho thấy tài nguyên tại chỗ đang dần được khai mở bởi những người trẻ có tri thức và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây có thể xem là “mảnh đất màu mỡ” cho các ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công trong các bạn trẻ nếu được đầu tư, khích lệ kịp thời. Đó cũng là mục tiêu và mong muốn mà Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh hướng đến trong quá trình đồng hành, hỗ trợ thanh niên tỉnh nhà khởi nghiệp, lập nghiệp".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin