Ngày 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và truyền trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước.
|
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị.
Dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành Du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã có nhiều chính sách mở cửa đón khách du lịch quốc tế: Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo du lịch “thích ứng linh hoạt”, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”. Nhiều chính sách đã tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4, từ ngày 15/5 du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Nhờ vậy, ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh; 10 thị trường hàng đầu là: Hàn Quốc, Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan. Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022, trong khi đó khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Hội nghị đã nhận được 9 ý kiến của các bộ, ngành và 8 ý kiến của các địa phương Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng… thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết, qua đó cho thấy một bức tranh khá tươi sáng của du lịch cả nước sau đại dịch. Đưa ra các giải pháp về tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản thủ tục nhập cảnh, cấp visa; kéo dài thời hạn miễn thị thực, vì 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế... Đồng thời nêu nhiều khó khăn mà ngành Du lịch đang gặp phải.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với ngành Du lịch, với doanh nghiệp và các chủ thể liên quan chịu hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Sau đại dịch là cơ hội để cơ cấu lại ngành Du lịch, phải đổi mới sáng tạo, linh hoạt cách tiếp cận, cách tư duy, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa cách cung ứng để thu hút du khách. Du lịch phải cung cấp cái du khách cần, chứ không phải cung cấp cái mình có.
Năm 2023, cần huy động sự tham gia tích cực mạnh mẽ của toàn xã hội, cộng đồng, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân để đưa du lịch phát triển đột phá. Đổi mới thủ tục cấp visa; chính sách không thay đổi, nhưng phải thay đổi cách tổ chức thực hiện, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cấp phát visa liên quan đến du lịch.
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế khác, là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững. Phát triển du lịch phải gắn với văn hóa, truyền thống dân tộc, đất nước con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng động lực, thúc đẩy phát triển du lịch; đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Gắn phát triển du lịch với quá trình chuyển đổi số; tạo điều kiện để du khách dễ dàng truy cập, tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Chú trọng liên kết du lịch với các chuỗi giá trị trong mối liên kết với các ngành kinh tế; định vị với thương hiệu du lịch quốc gia. Xây dựng Việt Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện, thuận lợi, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.
Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, các chính sách liên quan đến thuế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về cơ sở vật chất, con người, cách làm, nâng cao chất lượng các tour, tuyến du lịch. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông; con người thân thiện, phải coi du khách như người thân trong gia đình, coi đó là đạo lý, là đạo đức, là truyền thống văn hóa.
Xây dựng mô hình sản phẩm đổi mới, độc đáo, luôn luôn đổi mới trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư. Nâng cao nguồn nhân lực bằng cách tổ chức chương trình đào tạo du lịch một cách bài bản, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển du lịch trước mắt và lâu dài.
Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đảm bảo sự bình đẳng, phối hợp với nhau, kiểm soát lẫn nhau, tránh để xảy ra tiêu cực dẫn đến mất thời gian điều tra, mất người, mất của, mất niềm tin...
CHỦ TỊCH UBND TỈNH TRẦN VĂN HIỆP: Lâm Đồng thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội vào sáng 21/12 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã nêu lên những kết quả đạt được và những giải pháp nỗ lực phục hồi du lịch Lâm Đồng sau đại dịch.
Theo đó, ngay khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách như các chương trình kích cầu du lịch, chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch “an toàn, văn minh, thân thiện”… Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 được tỉnh tổ chức thành chuỗi sự kiện trải đều trong 2 tháng cuối năm để thu hút du khách đến với Đà Lạt, Lâm Đồng.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 7,5 triệu lượt (tăng 3,4 lần so với năm 2021, đạt 136,4% kế hoạch); trong đó, khách quốc tế ước đạt 150.000 lượt (tăng 8,1 lần so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch). Riêng 2 tháng cuối năm, Lâm Đồng thu hút 2 triệu lượt khách.
Với nỗ lực đưa du lịch Lâm Đồng nhanh chóng phục hồi ở thời kỳ đỉnh cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động triển khai các tour, tuyến, khôi phục nhiều chuyến bay quốc tế với 33 chuyến nội địa và 8 chuyến quốc tế/ ngày; làm tốt quảng bá du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện với mọi du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm; thực hiện thí điểm kinh tế du lịch đêm; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại, đồng bộ; hoàn thiện thủ tục nâng cấp các tuyến đường cao tốc; nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương; nghiên cứu thúc đẩy thị trường, xúc tiến giới thiệu nông sản, quảng bá hình ảnh đất và người Đà Lạt - Lâm Đồng ra nước ngoài. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ tối đa về thủ tục để có nhiều sản phẩm du lịch, nhiều điểm du lịch mới; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Đồng thời, tiếp tục liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước; xúc tiến du lịch, nghiên cứu mở thị trường trọng điểm như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh du lịch; tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển. Phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 thu hút tổng lượt khách qua lưu trú 6,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 250 nghìn lượt...
|
QUỲNH UYỂN