Đến với Di Linh, hòa trong tiếng cồng chiêng rộn rã, du khách cùng hân hoan nối nhịp xoang với bà con bản địa cho thấy sức hút của di sản văn hoá phi vật thể này đối với đời sống và nhịp điệu phát triển du lịch của vùng đất này...
|
Nam thanh nữ tú đội cồng chiêng ở các xã biểu diễn phục vụ du khách tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc huyện Di Linh |
Chị Ka Hem, thành viên múa xoang của thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa) cho biết, đội chiêng thôn Đồng Đò được ra mắt từ năm 2019, hiện có 25 thành viên, trong đó 20 người thường xuyên tham gia biểu diễn; đội gồm nhóm nam thanh niên đánh chiêng và nhóm phụ nữ múa xoang. Ngoài việc biểu diễn trong những lễ hội quan trọng của buôn làng, đội tham gia phục vụ các đoàn khách du lịch khi có yêu cầu. Đến nay, khi mà khách đến tham quan các điểm du lịch ở Di Linh ngày càng nhiều thì mọi người đã quen dần với việc làm du lịch.
Vài năm trở lại đây, ngoài việc lên rẫy, mỗi thành viên đội cồng chiêng còn có thêm nguồn thu nhập 700 ngàn - 1 triệu đồng/buổi biểu diễn từ biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch ở các khu du lịch Tea Bobla Waterfall, hồ Ka La, thác Đam Bri (Bảo Lộc)...; nhờ đó cuộc sống của các bạn trẻ cũng được cải thiện.
|
Đồng bào DTTS huyện Di Linh gắn bảo tồn văn hóa cồng chiêng với phát triển du lịch |
Anh Da Cha Vũ Bảo, người phụ trách nhóm đánh chiêng của đội cồng chiêng thôn Đồng Đò và cũng là người có thể sáng tác ra các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng. Anh cho biết, trước đây, ai muốn học chủ yếu xem các nghệ nhân, già làng trong buôn diễn tấu, biểu diễn để học theo. Từ ngày huyện tổ chức lớp dạy cồng chiêng, thanh niên trong thôn hăng hái tham gia, nhiều bạn trẻ được theo học một cách bài bản và đã đánh được hai bài chiêng cơ bản, từ đó học thêm nhiều bài chiêng về cuộc sống thường ngày của bà con. “Các em ở đây mê cồng chiêng lắm, vừa giữ gìn nét truyền thống của đồng bào mình vừa tạo ra thu nhập từ phục vụ du lịch. Chính vì thế, mỗi khi có dịp diễn tấu là các thành viên gọi nhau cùng nhau tập luyện”, anh Vũ Bảo chia sẻ.
Xã Bảo Thuận có điều kiện để phát triển du lịch bởi có điểm tham quan hồ Ka La, núi Brah Yàng, khách du lịch đến địa phương rất thích tìm hiểu, khám phá văn hoá bản địa, đây là điều kiện lý tưởng để văn hoá truyền thống được gìn giữ, phát huy. Chị Ka Dảo, Đội trưởng Đội cồng chiêng Nữ thôn K’Nệt cho biết: “Hiện đội có 15 thành viên, với tình yêu và trách nhiệm của văn hóa dân tộc mình, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Đội chúng tôi cũng thường xuyên biểu diễn cho các đoàn khách du lịch đến tham quan hồ Ka La và đã tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, nhịp nhàng. Mong rằng sau này có nhiều đoàn du khách tới đây để thưởng thức, chị em sẽ cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa để phục vụ du khách gần xa và có thêm thu nhập”.
Ông Trần Nguyên Văn - Giám đốc Khu du lịch Tea Bobla Waterfall (xã Liên Đầm) cho biết, hiện nay, đơn vị chọn văn hóa cồng chiêng là một điểm nhấn để thu hút du khách đến với khu du lịch của mình. Khi tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm trọn vẹn đêm giao lưu văn hóa bản địa thông qua những điệu múa, tiếng cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực và được hòa mình vào với thiên nhiên của núi rừng. Các đội cồng chiêng ở Di Linh biểu diễn mang đậm bản sắc truyền thống, mộc mạc; điều này đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc thú vị đối với du khách.
|
Tại Khu du lịch Tea Bobla Waterfall (xã Liên Đầm), văn hóa cồng chiêng là một điểm nhấn để thu hút du khách |
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết những năm qua, huyện Di Linh đã mở được rất nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn. Các giá trị văn hóa đã được khôi phục lại và hồi sinh trong chính cộng đồng dân cư nơi đã sản sinh ra nó từ việc thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang ở các buôn làng. Hiện nay, các đội cồng chiêng ở Di Linh đã tổ chức được chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời quảng bá hiệu quả các giá trị di sản văn hóa truyền thống đến du khách.
Để có được chương trình hay mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống phục vụ du khách, hằng năm huyện sẽ tổ chức Liên hoa Văn hoá và Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc huyện Di Linh, giải leo núi Brah Yàng..., đồng thời khuyến khích các nghệ nhân của các nhóm cồng chiêng tích cực luyện tập, tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa mà đã bị mai một. Khi đó, trang phục dân tộc, ẩm thực, nghề truyền thống, các phong tục, tập quán, và những đêm nhạc cồng chiêng huyền thoại... sẽ là những điểm nhấn độc đáo trên hành trình khám phá nét đẹp văn hóa của du khách đến với Di Linh.
HOÀNG YÊN