Tôi trở lại ngôi nhà đậm chất hoài niệm giữa phố cổ Hội An, nơi có Ami Galeri, chỉ gặp người bạn già Jean Cabane, không còn bóng dáng chị Hoa đâu nữa. Jean ở đó một mình với một trời ký ức về Hoa, người vợ thân yêu người Việt của anh, khi chị đã hóa thân về đất mười mấy năm rồi.
|
Họa sĩ Jean Cabane |
Ngày đó..., tình cờ một buổi tối Hội An, tôi đã gặp Jean Cabane. Chỉ vài câu chuyện đã hiện ra vẻ đẹp từ tâm hồn của gã đàn ông râu ria, bụi bặm đến từ nước Pháp. Anh là họa sỹ, là thầy giáo, nhưng trước hết, Jean là một người luôn biết cách chia sẻ. Vì tình yêu Việt Nam, tình yêu với người vợ Việt, anh đến đây và đã ở lại. Trong tiếng Pháp, “ami” nghĩa là “bạn bè”, Jean đã đặt tên phòng tranh của mình với hàm nghĩa như thế. Anh sống ở đất này bằng tinh thần nhân văn mà một người mang dòng họ Cabane lâu đời đã được hun đúc. “Cabane”, tiếng Pháp nghĩa là “ngôi nhà nhỏ”, giống như là “tổ ấm” trong tiếng Việt, Jean giải thích.
Đã nhiều năm nay, phòng tranh Ami của Jean Cabane đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của người Hội An. Ông Tây râu ria với anh mắt hiền lành, miệng lúc nào cũng nở nụ cười khi gặp bất cứ người dân nào trên phố - đó là Jean. Du khách nước ngoài đến phố Hội cũng tìm đến với anh như là một nhịp cầu thân thiện, một địa chỉ liên lạc trong chuyến du hành của họ. Ami Galeri trở thành trạm dừng chân của bạn bè tứ hải, Jean Cabane trở thành người kết nối. Sự kết nối đó bắt đầu từ chính con người anh và cả hội họa anh, khi mà Jean đã có bảy cuộc triển lãm tranh về đề tài Việt Nam tại Hội An và các thành phố Pháp. Cô Phạm Thị Son, hướng dẫn viên du lịch ở Hội An nói: “Khi nói về Việt Nam với những người bạn nước ngoài, em thấy bác Jean giống như là người Việt”.” Còn Jean, người đàn ông đến từ thành phố cổ kính mang tên Nimes ở nước Pháp đã nhận xét: “Người Việt Nam còn giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là người dân miền núi và nông thôn. Dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng tâm hồn họ thì rất hồn nhiên, phóng khoáng và thân thiện.”.
* * *
Sinh năm 1949, năm 2005, anh kết thúc quãng đời 37 năm dạy học ở quê nhà và sang Việt Nam. Lúc đầu, chỉ với mục đích là du lịch, khám phá vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của một đất nước Á Đông mà anh đã biết ít nhiều qua sử sách. Đến rồi thì lại muốn ở lại để “làm điều gì đó”, như lời Jean nói. “Điều gì đó” đầu tiên là anh nhận dạy tiếng Pháp thiện nguyện ở Đại học Đà Nẵng. Dạy học rồi có nhiều bạn bè, nhiều học trò, nhiều kỷ niệm khó quên và càng ngày càng thấy không thể xa nơi này được nữa. Sống ở Việt Nam, Jean Cabane đã rảo gót khắp mọi miền đất nước. Anh đam mê tìm hiểu lịch sử, khám phá văn hóa Việt. Jean thích thú nhất là đến với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên hay Tây Bắc. Không phải là “cưỡi ngựa xem hoa”, mỗi chuyến đi của Jean thực sự là “cọ xát thực tế”, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào. Jean nói: “Tôi rất khâm phục các học giả Pháp từng nghiên cứu về lịch sử - văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam như Sabatier, George Condominas hay Jacques Dournes...”. Anh đã từng bỏ cả hàng tháng trời cùng con gái của nhà dân tộc học Condominas lang thang trong các buôn làng Tây Nguyên để nghiên cứu về văn hóa M’nông Ga hay tìm hiểu về nền văn minh Chămpa cổ. Với nhiều buôn làng Kơ Tu ở vùng Quảng Nam, thì “ông Tây hiền lành” này đã như là người nhà. Còn Jean thì phát biểu: “Gặp những già làng thiểu số Việt Nam, tôi đã học được ở họ nhiều điều.”.
Có một công việc khác trong mỗi chuyến đi của Jean, đó là công việc của một nhà từ thiện. Anh là đại diện công vụ tại Việt Nam của Hiệp hội Giọt Nước, một hiệp hội nhân đạo phi chính phủ tại Pháp. Mục đích của Giọt Nước là kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cùng góp sức xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam và người nghèo Việt Nam. Là đại diện của hiệp hội, Jean đã tích cực vận động và chia sẻ vật chất và tinh thần với nhiều người dân ở các vùng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...
* * *
Jean Cabane học vẽ và vẽ tranh từ nhỏ. Anh vẽ một cách phóng khoáng và hồn nhiên với bất kỳ đề tài gì tâm đắc. Nhưng anh nói: “Tôi không lựa chọn hội họa làm sự nghiệp, bởi phần lớn thời gian tâm huyết của cuộc đời, tôi đã dành cho nghề dạy học.”. Thế rồi, khi sang Việt Nam, niềm đam mê sắc màu đã trở lại với Jean. Phong cảnh, cuộc sống và những cảm nhận trực tiếp từ số phận của các nạn nhân chiến tranh trong những chuyến đi đã thúc giục con người hội họa trong Jean Cabane. Và anh vẽ, vẽ như một khát khao được giải tỏa cảm xúc, vẽ để chuyển tải những thông điệp nhân văn đến với mọi người, đến với những ai yêu mến, chia sẻ, muốn khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc và đời sống muôn màu Việt Nam. Tôi xem tranh của Jean Cabane và rất ngạc nhiên bởi tất cả tác phẩm của anh đều được vẽ trên giấy dó. Tất cả là giấy dó, dù có thể là vẽ bằng mực thường hay mực nho, là bột màu hay phấn màu. Với giấy dó và họa pháp ấn tượng của mình, Jean đã tạo ra một phong cách riêng. Tại sao lại lựa chọn giấy dó, loại giấy do những người thợ thủ công Việt Nam làm ra để vẽ? “Ở Pháp, tôi đã được tiếp xúc với nhiều kỹ thuật, chất liệu. Khi đến Việt Nam, gặp giấy dó, tôi cảm nhận ra được đây mới là thứ mình cần. Một tờ giấy mỏng manh nhưng có thể tạo ra nhiều cảm xúc khi những sắc màu trên đó xuất phát từ tấm lòng của người vẽ.”, Jean nói.
|
Đêm phố cổ Hội An. Ảnh: Hồng Hải |
Mỗi tác phẩm của Jean muốn chia sẻ một thông điệp nhỏ. Đó là tình yêu với những nơi chốn mà anh đi qua. Là tấm lòng nhân hậu, dung dị. Là những giọt nước mắt hòa trong dòng chảy miên man của nỗi đau nhân thế mà anh từng chứng kiến và sẻ chia. Hội họa của anh tự nhiên như chính con người anh vậy, giản dị và chân thành. Đặc biệt, anh nói rằng, khi tiếp xúc với những trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam, cảm xúc của anh dâng trào mãnh liệt. Anh vẽ, nhưng không phản ánh hiện thực trần trụi và đau lòng, trong các tác phẩm về đề tài này, anh muốn thể hiện những giấc mơ bay bổng của những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh. Xem tranh, tôi cảm nhận tình yêu thương ngập tràn trong đó. Sắc màu của Jean đã chuyển tải được những điều anh muốn diễn tả, đã tìm được sự đồng cảm và sẻ chia của cuộc đời dành cho các nhân vật của anh...
Lần này tôi trở lại, cảm nhận trên ánh mắt của Jean Cabane không còn ánh lên nhiều nét cười như những lần gặp trước. Sự ra đi đột ngột của người vợ Việt Nam đã để lại trong lòng anh nỗi đau và sự trống vắng không thể lấp đầy. Chị Hoa đã mất vì tai nạn giao thông trong một lần cùng chồng về Pháp. Jean mang lọ tro cốt của vợ về với sông Hoài và anh đã chọn ở lại cùng quê hương của chị. Tôi hỏi: “Chị mất từ lâu, sao anh không trở về nước Pháp?”. Giọng Jean bùi ngùi: “Tôi đã thuộc về nơi chốn này, cũng như tình yêu của tôi mãi mãi thuộc về Hoa!”...
UÔNG THÁI BIỂU