Với đặc thù khí hậu khắc nghiệt, bốn mùa nắng lắm mưa nhiều, đã tạo nên cho người dân Hà Tĩnh sản sinh ra nhiều sản phẩm, nguyên liệu mang giá trị truyền thống đặc trưng của miền quê nắng gió. Sản phẩm kẹo cu đơ là một trong số đó - không chỉ là đặc sản gia truyền mà kẹo cu đơ đã dần trở thành một món quà của những con người chân chất nơi đây mà ai đi xa mô đó rồi cũng phải nhớ mãi không thôi về hương kẹo cu đơ Hà Tĩnh.
|
Các nguyên liệu nấu kẹo đều phải được chọn lựa kĩ càng mới có thể làm ra hương kẹo ngọt ngào nhất |
Chúng tôi đến thăm cơ sở kẹo cu đơ Hiền Võ (Tổ dân phố 4, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh), dù đang bận rộn với công việc làm mẻ kẹo mới, ông Nguyễn Viết Võ (chủ cơ sở) vẫn rất vui vẻ, tâm sự và trò chuyện. Ông cho biết, sau thời gian tìm hiểu từ cội nguồn nơi sản xuất cu đơ truyền thống từ đời thứ nhất ở xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn đến đời thứ hai tại xã Đức Yên, huyện Đức Thọ nay đã truyền lại về đến phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh - đó chính là lò xưởng kẹo cu đơ Hiền Võ. Với sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi ông Nguyễn Viết Võ đã từng bước đưa thương hiệu “cu đơ Hiền Võ” đến với người tiêu dùng. Không những cho thị xã Hồng Lĩnh nói riêng, mà còn mở ra rộng khắp các tỉnh trong cả nước.
Ông Võ kể, trong dân gian truyền miệng rằng, ở xứ Hương Sơn, Hà Tĩnh có ông Cu Vi sáng tạo ra món kẹo ngọt này và mang ra chợ bán với giá hai tiền mỗi dĩa, nên mọi người quen gọi ông là ông cu Hai. Ngoài ra, để chiều lòng của khách, ông Vi còn biến tấu từ đổ kẹo lên dĩa, ông đổ vào đọi (chén ăn cơm) gọi là “kẹo đọi”. Rồi tiếp đến, ông lại nghĩ đổ kẹo lên lá bánh đa úp lại lưu truyền thức quà mang đậm hồn quê cho đến tận bây giờ.
“Để làm ra được một sản phẩm kẹo cu đơ đạt chất lượng cao, thì phải hết sức cẩn trọng ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu. Gừng phải là củ nhỏ, xanh rất cay. Như mạch nha thì dùng lượng ít, song phải lấy từ Quảng Ngãi. Lạc cũng được lựa chọn kĩ càng, lấy từ vùng quê pha cát, như huyện Nghi Xuân, huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) mới có nhân tròn mẫy. Đặc biệt, để giữ được độ thơm bùi, mật mía cũng phải chọn lựa kĩ càng lấy từ vùng quê trồng mía truyền thống như huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Đặc biệt, người nấu phải có kỹ thuật và tính nhẫn nại. Trong lúc nấu, phải khuấy đều tay, không để cho lạc chìm xuống đáy nồi, mãi cho đến khi tất cả nguyên liệu quyện vào nhau, hương thơm ngọt ngào bốc lên mới cho ra lò sản phẩm chất lượng. Có như vậy, ăn vào mới cảm nhận được mùi thơm, thanh ngọt, bùi dẻo đặc trưng của kẹo”, ông Võ chia sẻ.
|
Kẹo cu đơ - thức quà truyền thống để tiếp đón du khách, bạn bè gần xa |
Tiếng lành đồn xa, uy tín của lò kẹo Hiền Võ ngày một nhân lên đã giúp gia đình ông có điều kiện mở mang, sản xuất và phát triển. Nhờ sự đầu tư bài bản, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến phương tiện sản xuất cùng nguồn nguyên liệu sạch mà sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, khẳng định được vị trí thương hiệu kẹo “Cu Đơ Hiền Võ” tại địa bàn, cũng như lan tỏa có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất đưa ra thị trường từ 500 - 700 gói kẹo. Với giá từ 30.000 đồng - 50.000 đồng tùy loại.
Từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, ông Nguyễn Viết Võ đã trở thành chủ kinh doanh có lò xưởng - là mô hình tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Phong trào “Sản phẩm thương hiệu truyền thống”. Để tiếp tục phát triển kinh doanh, ông Nguyễn Viết Võ dự định cuối năm nay sẽ mở thêm cơ sở tại trung tâm thị xã Hồng Lĩnh, để tiếp cận và phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt là các dịp tết, lễ hội,…
Khi chúng tôi vẫn còn đang đắm chìm trong hương thơm ngọt ngào của mẻ kẹo mới, thì đã thấy ông Võ rót cốc nước chè xanh, đưa miếng kẹo mời khách, vui vẻ hoạ xướng: “Chè xanh, kẹo nóng cu đơ, đến xưởng Hiền Võ ngọt thơm trong lòng”. Biết đâu, nhờ những con người như ông Nguyễn Viết Võ mà loại kẹo cu đơ này mai sau sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vươn đến các nước bạn bè quốc tế, trở thành niềm tự hào của quê hương Việt Nam.
HƯƠNG LY