Khi hiệu quả là hàng đầu

03:06, 13/06/2012

Đến cuối tuần này vòng bảng Euro 2012 đã đi hơn một nửa chặng đường. 16 đội bóng đã lần lượt phô diễn các khuôn mặt khác nhau của bóng đá châu Âu trong đó có những trận đấu đầy bất ngờ khi một đội tuyển với các ngôi sao vẫn cứ đường hoàng …thất bại trước các đội bóng nhỏ.

Đến cuối tuần này vòng bảng Euro 2012 đã đi hơn một nửa chặng đường. 16 đội bóng đã lần lượt phô diễn các khuôn mặt khác nhau của bóng đá châu Âu trong đó có những trận đấu đầy bất ngờ khi một đội tuyển với các ngôi sao vẫn cứ đường hoàng …thất bại trước các đội bóng nhỏ.

Chủ nhà Ba Lan và Ucraina đang thi đấu khá tốt tại vòng bảng (Trong ảnh các cầu thủ Ba Lan vui mừng khi gỡ hòa trong trận gặp Nga (hòa 1- 1)
Chủ nhà Ba Lan và Ucraina đang thi đấu khá tốt tại vòng bảng (Trong ảnh các cầu thủ Ba Lan vui mừng khi gỡ hòa trong trận gặp Nga (hòa 1- 1)


Điển hình nhất là trận thua 0-1 của Hà Lan trước Đan Mạch trong trận ra quân đầu tiên tại bảng B. Đan Mạch không phải là kẻ vô danh tiểu tốt nhưng cũng chẳng phải là một đội bóng đình đám gì tại châu Âu. Phía bên kia, Hà Lan “cơn lốc da cam” quê hương của lối bóng đá tổng lực, coi trận đấu này như một cữ dợt nhẹ để các chân sút kiếm vài bàn thắng lấy tinh thần trước khi gặp 2 đối thủ xứng tầm hơn là Đức và Bồ Đào Nha trong bảng. Họ có vẻ không cần dao mổ bò để giết ruồi. Với hàng tấn công khủng dẫn đầu hai giải đấu danh giá nhất châu Âu, họ có vẻ nhẩn nha, không vội vàng gì để tìm kiếm bàn thắng, tin rằng trước sau gì cũng đến. Cổ động viên bên ngoài cũng hùa vào, hò reo vang trời để tạo thanh thế. Không khí tự tin tràn ngập khắp cầu trường khiến cổ động viên Đan Mạch im như thóc và có người khi truyền hình phỏng vấn chỉ mong “hòa 1-1 là được lắm rồi”.

Nhưng Đan Mạch làm được hơn thế. Họ ghi bàn thắng từ rất sớm, ngay giữa hiệp 1. Chỉ cần một cơ hội, một bàn thắng là đủ. Trước khi ghi bàn này chẳng ai biết Michael Krohn-Dehli là ai, sau khi ghi được bàn thắng người Hà Lan mới giật mình biết rằng anh chàng Đan Mạch này từng chơi bóng nhiều năm ở xứ hoa Tulip của mình, thậm chí còn có cả một cô bạn gái người Hà Lan. Với một bàn thắng lận lưng, Đan Mạch coi như đủ vốn. Họ triển khai lối chơi bóng đá biết người biết ta, không dại gì dàn quân ra đá tay đôi mà lui về tử thủ, tìm mọi cách để vô hiệu hóa mọi đường tấn công của đối phương. Nỗ lực đến phút chót, cộng với một chút may mắn họ đã được tưởng thưởng bằng ba điểm quý giá.

Trận thắng này đúng là cái tát cho các siêu sao triệu đô của Hà Lan. Cho mãi đến nhiều ngày sau đó nhiều cầu thủ Hà Lan vẫn không hiểu được vì sao lại thua trong một trận đấu mà mọi con số trên sân đều đứng về phía họ: kiểm soát trận đấu trong suốt 90 phút, cầm bóng 55%, tung ra 32 cú sút so với 8 pha dứt điểm của Đan Mạch. Tiền vệ Robben của Hà Lan, người từng có một cú sút làm bật cột dọc của Đan Mạch trong một phát biểu sau đó đã phải ngán ngẩm: “Làm thế nào mà họ lại thắng được trận này nhỉ?”.

Rất nhiều biện minh cho những thất bại này: do đội lớn với kỳ vọng lớn phải chịu nhiều áp lực, thiếu may mắn, do các đội yếu hơn lập hàng rào người dày đặc trước cầu môn sân nhà, triệt hạ cầu thủ đối phương cố cầm hòa kiếm một điểm… Nhưng có một điều vẫn thường thấy trong các giải đấu lớn như Euro năm nay chẳng hạn là cái tôi… khệnh khạng của rất nhiều ngôi sao, điển hình như Robben trong trận đấu trên hay Ronaldo của Bồ Đào Nha trong trận thua Đức 0-1. Trong một trận đấu mà họ luôn màu mè hoa hòe hoa sói, tranh bóng với đồng đội, giữ bóng về mình, không ít lần các đồng đội trong vị thế rất thuận lợi giơ cả hai tay xin bóng nhưng họ vẫn cứ điềm nhiên đi bóng một mình, lừa bóng rồi tự sút… ra ngoài. Có vẻ như trận đấu là một cuộc diễn và mỗi cầu thủ - nghệ sỹ kiểu này cứ thích diễn vai của mình mà chẳng cần đếm xỉa đến đồng đội, Cái tôi lớn hơn cái ta, họ đang làm cho đội nhà yếu hơn chứ không thể mạnh hơn được. Bóng đá là cuộc chơi 11 người nhưng đôi lúc người xem có cảm giác họ đang độc diễn trên sân. Có những đội mà từng vị trí chơi khá hay nhưng toàn đội thì tinh thần chung không cao chút nào, Bồ Đào Nha là một ví dụ điển hình và nếu không thay đổi điều này thì họ khó mà tiến xa được.

Đã thấy một thứ bóng đá thực dụng nổi lên tại Euro năm nay. Rất nhiều đội bóng nhỏ không sở hữu được ngôi sao nào có thể gây đột biến, xoay chuyển cục diện trận đấu khi cần nên vũ khí lớn nhất của họ chính là tính đồng đội. Họ chấp nhận chọn lối chơi mà nhiều người gọi là “bóng đá xấu xí”, đổ bê tông kiểu Ý hay kéo chiếc xe bus 2 tầng chặn trước khu vực cầu môn, cắm 1 hay 2 tiền đạo ở trên rồi chực chờ phản công. Cách chơi này khá đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. CLB Chelsea của Anh đã giành vô địch Champions League và trước đó Hy Lạp đã gây bất ngờ lớn khi giành cả chức vô địch Euro cũng chỉ bằng lối chơi này. Chính vì vậy không ít đội lớn trong năm nay như Anh, Ý, Đức không dám tung cả lực lượng tấn công mà đành phải chọn cách chơi cực kỳ thận trọng an toàn là chính với phòng ngự và phòng ngự.

Chỉ có điều là người xem bóng đá lại buồn. Xem qua truyền hình, thức đêm để xem mà trận đấu quá chán thì thà ngủ sáng nghe kết quả còn hơn. Ngay cả người xem trên sân, như trận Anh gặp Pháp (hòa 1-1), khi hai đội thi đấu cầm chừng ở hiệp 2, máy quay truyền hình đã phát đi cái cảnh khán giả ngồi... ngủ gục. Chỉ hy vọng rằng qua hết vòng đấu bảng khi các đội lọt vào sâu và mỗi trận đấu đều là cuộc sinh tử thì mọi chuyện có lẽ hấp dẫn hơn chăng?

VIẾT TRỌNG