Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Quyền con người

03:02, 26/02/2013

(LĐ online) - Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quyền con người được đề cập tại Chương II và chính chương này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 thành chương: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

(LĐ online) - Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quyền con người được đề cập tại Chương II và chính chương này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 thành chương: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này đã đưa quyền con người vào cùng với quyền và nghĩa vụ của công dân và đưa vị trí của những nội dung quan trọng này từ Chương V của Hiến pháp năm 1992 lên vị trí thứ hai sau Chương I về Chế độ chính trị. Điều đó càng chứng minh rõ rằng đã từ lâu Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền con người cũng như quyền công dân mà quyền con người đã, đang và sẽ được đảm bảo một cách có cơ sở chính trị và pháp lý chứ không phải như các thế lực thù địch và một số kẻ xấu từng lu loa vu khống và xuyên tạc là “Việt Nam vi phạm nhân quyền”…

Nói đến quyền con người thì chính Việt Nam không những chỉ quan tâm đến người Việt Nam mà còn bảo vệ cả quyền con người chính đáng của người nước ngoài với việc Điều 52 của Dự thảo giữ nguyên nội dung của Điều 82 của Hiến pháp năm 1992 là “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam xem xét việc cho cư trú”.  Còn nói đến người Việt Nam hay bao quát hơn là Nhân dân Việt Nam thì trên cơ sở kế thừa Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, Dự thảo lần này được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng, súc tích hơn khi khẳng định: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”; sau khi có Đảng lãnh đạo thì chính “Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công” rồi “Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng CNXH và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử”. Điểm nhấn của Lời nói đầu lần này là “Tiếp tục khẳng định ý chí của Nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”…

Còn trong Chương I về Chế độ chính trị, Dự thảo về cơ bản tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992; đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn những nội dung có liên quan mật thiết đến Nhân dân, đó là : Khẳng định chính thể của nước ta là Cộng hoà XHCN, Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tại Ðiều 1; Tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân tại Ðiều 2; Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam… Ðảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình… tại Ðiều 4; Quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước tại Ðiều 6; Bổ sung quy định về nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ Nhân dân tại Ðiều 8 và Dự thảo còn thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cũng như bổ sung, làm rõ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc động viên Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình cũng như đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân tại các Ðiều 9 và Ðiều 10…

Chương II về quyền con người và quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm 38 điều từ điều 15 đến điều 52 và khẳng định quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó là tiếp tục quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển và đổi mới đất nước. Ðó là các quyền như Quyền sống (Ðiều 21), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Ðiều 22), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Ðiều 23), Quyền sở hữu tư nhân (Ðiều 33), Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Ðiều 35), Quyền kết hôn và ly hôn (Ðiều 39), Quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá, tiếp cận các giá trị văn hoá (Ðiều 44), Quyền xác định dân tộc (Ðiều 45), Quyền được sống trong môi trường trong lành (Ðiều 46)… Dự thảo còn bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng tại Ðiều 15 và sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính khả thi hơn với cách sắp xếp theo thứ tự Những quy định chung gồm các nguyên tắc, các bảo đảm thực hiện quyền, giới hạn quyền và hạn chế quyền (từ Ðiều 15 đến Ðiều 20) rồi đến Các quyền dân sự, chính trị (từ Ðiều 21 đến Ðiều 32); Các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (từ Ðiều 33 đến Ðiều 46); Các nghĩa vụ của công dân (từ Ðiều 47 đến Ðiều 50)... Còn về cách thức thể hiện, Dự thảo nêu một cách chặt chẽ, logic các quy định về quyền, nghĩa vụ cho phù hợp với tính chất của quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong Hiến pháp như : Có khoản tuyên bố, khẳng định nội dung của quyền; Có khoản quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền; Trong trường hợp cần thiết cần giới hạn quyền công dân thì phải có khoản quy định các giới hạn quyền; Các quyền hoặc nghĩa vụ đối với tất cả mọi người, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thì được thể hiện bằng từ "Mọi người". Còn đối với những quyền hoặc nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam thì Dự thảo dùng từ "Công dân". Ngoài ra còn một số quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền công dân được thể hiện trong Chương III về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường cũng như các quy định khác có liên quan đến quyền bầu cử như Chương V về Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân hay Chương IX về Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân…

Tất cả những nội dung đó đều thể hiện rõ bản chất của chế độ ta, của Nhà nước ta cũng như quyết tâm đảm bảo dân chủ, tôn trọng thật sự những quyền phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên và đó cũng chính là định hướng đúng đắn: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bùi Thanh Long