Người cựu tù bình dị

09:06, 25/06/2018

Sự hy sinh, cống hiến lặng thầm của những người chiến sĩ bị địch bắt tù đày trên các mặt trận được ví như "nốt nhạc" góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng trong lịch sử. Trong hòa bình, họ lại đang lặng lẽ góp sức mình cho xã hội. Họ là những người anh hùng trong chiến đấu, là tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường.

Sự hy sinh, cống hiến lặng thầm của những người chiến sĩ bị địch bắt tù đày trên các mặt trận được ví như “nốt nhạc” góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng trong lịch sử. Trong hòa bình, họ lại đang lặng lẽ góp sức mình cho xã hội. Họ là những người anh hùng trong chiến đấu, là tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường.
 
Ông bà Trần Minh Thơ trong căn nhà hạnh phúc của mình tại 28B Pasteur Đà Lạt. Ảnh: N.T
Ông bà Trần Minh Thơ trong căn nhà hạnh phúc của mình tại 28B Pasteur Đà Lạt. Ảnh: N.T

Một trong số đó là ông Trần Minh Thơ, 91 tuổi, tôi gặp ông trong căn nhà số 28B Pasteur, thành phố Đà Lạt vào một buổi chiều nắng đẹp. Căn nhà khang trang, sạch đẹp, gọn gàng, ngăn nắp cho thấy có sự chăm chút hàng ngày. Người vợ của ông năm nay đã 84 tuổi nhưng “mọi việc nhà đều nhờ bà làm hết đó” - ông nói. Bà cũng là con gia đình có công với cách mạng. Người chiến sĩ cựu tù kháng chiến Trần Minh Thơ (sinh năm 1928), quê Điện Bàn - Quảng Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ bị địch bắt tù đày thành phố Đà Lạt, Ủy viên BCH Hội Chiến sĩ bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng, phụ trách công tác tài chính.
 
Vào tháng 3/1945, trong thời kỳ chống Pháp, ông Thơ tham gia truyền bá chữ quốc ngữ. Đến 19/8/1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Quảng Nam. Năm 1947, ông thuộc lực lượng chủ lực vệ quốc đoàn tại Đại đội 213, Trung đoàn 108. Sau đó, ông Trần Minh Thơ tham gia chiến trường Trung Nam Bộ, đến khi hòa bình, sau năm 1954, do bị sốt rét rừng, sức khỏe sút giảm nên ông xin xuất ngũ, về tham gia công tác địch hậu (công tác hậu phương trong vùng địch chiếm) tại địa phương. 
 
Đến năm 1960, địch đánh ác liệt quá, ông lên đường vào Tuyên Đức tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia tổ chức của ông Ba lớn - Huỳnh Xuân Đài tại Đà Lạt và hoạt động cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
 
Trong quá trình tham gia kháng chiến, ông đã 4 lần bị địch bắt tù đày, 1 lần bị quản thúc. Trong quá trình bị bắt giam và tra tấn đã khiến một mắt ông bị thương. 
 
Rất nhiều chiến công của ông đã được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng bằng những tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Ba được ông treo trang trọng tại phòng khách. Ngoài ra, còn nhiều huân, huy chương khác, nhiều bằng khen của UBND tỉnh, thành phố Đà Lạt tặng thưởng, gia đình ông nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa, văn hóa tiêu biểu. Ông là nhân tố điển hình của thành phố Đà Lạt trong dịp kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
 
Sau giải phóng, ông là cán bộ tổ chức Sở Xây dựng Lâm Đồng, đến năm 1988, ông nghỉ hưu và tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng khu phố 2 - Phường 4 từ năm 1992-2002. Rồi trong tổ chức Hội Cựu chiến binh, ông được anh em đồng đội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 4, hiện nay ông đang giữ vai trò là Tổ trưởng Tổ hưu trí Tổ 5 - Phường 4, đây là tổ có rất nhiều cán bộ nghỉ hưu, với vai trò của mình, ông thường xuyên chăm lo tốt cho người cao tuổi, cựu chiến binh. Mọi phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động như phong trào vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, vận động nhân dân đóng góp ủng hộ, giúp đỡ bà con bị lũ lụt, thiên tai, giúp các cháu học sinh nghèo hiếu học, con em gia đình chính sách..., ông đều tham gia tích cực và cùng với các cán bộ của tổ, phường nhiệt tình đi vận động bà con.
 
Trong cuộc sống đời thường, ông bà nuôi dạy con cái trưởng thành, nay đều là những hộ kinh doanh thành đạt. Các con ông đã có 3 khách sạn lớn và nổi tiếng, người thì làm bánh uy tín, người có việc làm tốt, thu nhập ổn định, nuôi dạy con ngoan. 
 
Bà con lối xóm, cán bộ hưu trí, cán bộ phường, thành phố đều ghi nhận và tín nhiệm cao vì ông sống rất gương mẫu. Trên bàn làm việc của ông có ipad, sách báo, tài liệu như một công chức; dù tuổi cao nhưng ông Thơ sử dụng ipad thành thạo, chụp hình ghi lại kỷ niệm, đọc báo, xem tin tức thời sự để không bị lạc hậu.
 
Ý chí kiên định, tinh thần yêu nước của người cựu tù cách mạng năm xưa đến nay vẫn được tôi luyện bền bỉ. Ông Thơ chia sẻ về sự việc không may xảy ra tại Bình Thuận và một số nơi thời gian vừa qua, ông nói: người dân chúng ta nên bình tĩnh, không thể để lòng yêu nước bị lợi dụng, người dân nên tỉnh táo nhìn nhận cho đúng, yêu nước phải vì mục đích chung, hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không bao giờ Đảng ta để cho dân ta thiệt thòi cả. Rất tiếc, vừa qua một số người bị lợi dụng, kích động, xúi giục đã có hành động không hay… 
 
Tuy đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tinh thần sống vui - sống khỏe - sống có ích luôn hiện hữu ở ông Thơ. Ông là tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường và xây dựng một gia đình hạnh phúc. Những tấm gương giản dị giữa đời thường như người cựu tù Trần Minh Thơ thật đáng trân trọng, biểu dương. Ông rất ngại nói về mình, không thích lên báo, nhưng khi tôi đặt vấn đề về sự giản dị ấy thì ông đã nhận lời và chia sẻ câu chuyện cũng thật bình dị. 
 
NGUYỆT THU
[poll(7852)]