Người bắc nhịp cầu nhân ái

09:08, 13/08/2018

Theo lời hẹn, tôi đến Trường Khiếm thính Lâm Ðồng để chứng kiến việc bàn giao 150 máy trợ thính cho nhà trường, món quà của cô giáo Vy vừa đi châu Âu "gom về" thật sự có ý nghĩa với các em. 

Theo lời hẹn, tôi đến Trường Khiếm thính Lâm Ðồng để chứng kiến việc bàn giao 150 máy trợ thính cho nhà trường, món quà của cô giáo Vy vừa đi châu Âu “gom về” thật sự có ý nghĩa với các em. 
 
Cô giáo Vy Vy (bìa phải) trong buổi trao máy trợ thính giữa Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt và Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo
Cô giáo Vy Vy (bìa phải) trong buổi trao máy trợ thính giữa Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt
và Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo

Tôi biết cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy mấy năm nay, qua các đợt cùng đi làm từ thiện ở thành phố Đà Lạt và các huyện trong tỉnh Lâm Đồng. Cô sinh năm 1967, gốc quê Thừa Thiên - Huế, sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt. Năm 1986, Nguyễn Thị Vy Vy đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ngành tiếng Anh, và năm 1989 tốt nghiệp, trở thành giáo viên Trường THCS Quang Trung đến nay. Nhờ vốn tiếng Anh này, cô Vy có lương duyên giao thiệp với những bạn bè các nước. Ban đầu, cô gặp ngẫu nhiên cặp vợ chồng người Anh đến Đà Lạt du lịch, ông bà Paul và Julie. Lanh lợi, tạo được thiện cảm, cô được ông bà đề nghị làm tình nguyện viên để tìm hiểu Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Nguyễn Thị Vy Vy vui vẻ nhận lời. Paul và Julie thực hiện hoạt động thiện nguyện với Trường và dần dần mở rộng đến Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan ngày thêm hiệu quả. 
 
Cơ duyên buổi đầu vào năm 2008 như vậy, và duy trì suốt 10 năm nay của Nguyễn Thị Vy Vy. Cô được nhiều tổ chức từ thiện các nước biết đến là một phiên dịch không nhận tiền thù lao và trở thành cầu nối giữa các tổ chức nhân đạo với các địa chỉ của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt. Năm 2011, Nguyễn Thị Vy Vy được hai người Hà Lan tìm đến, đó là giáo viên Edwtard và kỹ sư Theo Beerens, họ giới thiệu cô với tổ chức Philips, một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan. Kiểm chứng những kết quả của cô đã làm được, tổ chức Philips quyết định tài trợ cho Nguyễn Thị Vy Vy đi các nước châu Âu vào dịp hè để gom máy trợ thính.
 
Đã có nhiều đợt và đợt về đầu tháng 8 vừa rồi, cô mang về 270 máy trợ thính với tổng trị giá ước khoảng 2,7 tỷ đồng và đã giao cho Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt. 
 
Hôm bàn giao máy trợ thính, ngay tại trường, theo lời thỉnh cầu của lãnh đạo nhà trường, cô Vy Vy lại gọi điện thoại cho mấy nhà hảo tâm vận động chung tay giúp đỡ trường đón năm học mới gồm: giày, dép, vở, đồ đồng phục học sinh, máy sấy đồ...
 
Ngoài ra, cô Vy cũng làm quen với vợ chồng người Hàn Quốc sinh sống tại Đà Lạt là ông bà Chung Ki-sun. Vợ chồng doanh nhân này thông qua cô đến với những mảnh đời bất hạnh, yếu thế ở Trại Phong huyện Di Linh trao lương thực, thực phẩm với khoảng 40 triệu đồng mỗi năm; đến với các học sinh khuyết tật và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều trường học trong tỉnh như THCS Quang Trung, Tiểu học Phan Như Thạch, Tiểu học Hùng Vương, THCS Lam Sơn, THCS Trần Phú, THCS Ninh Gia… trao sách vở, học bổng có giá trị… Một người bạn khác, ở Thụy Sỹ, doanh nhân Ueli; và một người em họ, anh Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Chi nhánh Bia Tiger và Heineken tại Krông Nô, rồi một người chị bạn khác nữa, doanh nhân Nguyễn Thị Lệ ở Lâm Đồng; và một số phụ huynh học sinh… đã trở thành chỗ dựa vững chắc về kinh phí và truyền lửa yêu thương con người để Vy hành thiện. Là cộng tác viên đắc lực của Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt, cô Vy làm cầu nối để mạnh thường quân hàng tháng tài trợ cho học sinh Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, Trường Khiếm thính Lâm Đồng và chương trình “Vòng tay nhân ái” của Đài PTTH Lâm Đồng, tổng số tiền mặt 21 triệu đồng… Cùng đó, cô cũng thu xếp từ nguồn thu nhập cho thuê nhà và phiên dịch để trang trải, chủ động trong quá trình làm thiện nguyện của mình. Mười năm làm hoạt động nhân đạo, cô Vy góp phần đưa đến những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội trị giá nhiều tỷ đồng, quả là “tấm lòng vàng” đáng để trân quý. 
 
Nguyễn Thị Vy Vy chia sẻ: Quan điểm sống của em là cuộc sống rất ngắn ngủi, có thể làm được gì để chia sẻ, san sớt cho nhiều người kém may mắn được chút an ổn hơn thì làm. Làm thiện nguyện không phải chờ đến giàu có, mà trước tiên là giàu lòng nhân ái anh ạ. Em cũng rất mong muốn mọi người hiểu và tri ân đến những tấm lòng thiện nguyện cao cả qua bản thân mình làm cầu nối để cùng lan tỏa tình thương yêu con người. Ông Theo Beerens một lần cũng nói với tôi: “Khi tôi gặp được cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy, nhiều việc làm của cô ấy đã thực sự cuốn hút tôi. Cô ấy không vụ lợi, ngược lại cô ấy còn rất tâm huyết với việc làm tốt”. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt Lê Thanh Bảo lại nhận xét: Cô Vy là giáo viên nhưng hướng đến xã hội nhiều, vì vậy Hội Chữ thập đỏ đã mời làm tình nguyện viên trong nhóm Công tác xã hội của Hội. Cô đã giúp được nhiều trong cuộc vận động mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo. Với uy tín, trách nhiệm, lòng nhiệt tình và sự trung thực, nhiều người  tin tưởng giao phó cho cô Vy để cô trở thành nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà hảo tâm - Hội - người nghèo. Những kết quả công tác xã hội - thiện nguyện của cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy thực sự có hiệu quả lớn, là tấm gương đối với  nhiều người trong tỉnh cũng như người nước ngoài.   
 
MINH ÐẠO
[poll(7858)]