Cô giáo em là hoa lan rừng

08:09, 03/09/2018

Tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2017, cô giáo Ka Liền - Trường Tiểu học B'Đạ (huyện Bảo Lâm) là người trẻ tuổi nhất trong số các đại biểu của đoàn Lâm Đồng tham dự. Em cũng vinh dự là một trong 100/500 đại biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được gặp gỡ, nhận quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2017, cô giáo Ka Liền - Trường Tiểu học B’Đạ (huyện Bảo Lâm) là người trẻ tuổi nhất trong số các đại biểu của đoàn Lâm Đồng tham dự. Em cũng vinh dự là một trong 100/500 đại biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được gặp gỡ, nhận quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
 
Cô giáo Ka Liền
Cô giáo Ka Liền
Sinh năm 1988 tại thị trấn Lộc Thắng, từ nhỏ Ka Liền đã thích làm cô giáo. Em từng say mê ngước mắt ngưỡng mộ cô giáo các cấp học duyên dáng trong những tà áo dài màu sắc rực rỡ, thướt tha, gieo những ước mơ bay xa cho biết bao thế hệ học sinh người dân tộc thiểu số như Ka Liền. Em ao ước một ngày nào đó cũng được đứng trên bục giảng, trước những cặp mắt tròn xoe hồn nhiên của trẻ thơ, nhất là được mang những kiến thức cuộc sống và những điều tốt đẹp trong sách vở truyền lại cho chính tâm hồn như những tờ giấy trắng của trẻ em dân tộc mình. Khi còn nhỏ, mấy anh chị em trong nhà, bạn bè trong xóm thường rủ nhau chơi trò lớp học, bao giờ Liền cũng giành làm vai cô giáo, đứng trước bảng đen và các bạn.
 
 Hết lớp 12, em theo học cao đẳng sư phạm tại thành phố Đà Lạt, xa nhà 130 cây số. Cứ mỗi cuối tuần hay cuối tháng mới lại lên xe đò về nhà, tranh thủ giúp cha mẹ chăm sóc vườn rẫy. Những ngày ngồi trên ghế nhà trường, Ka Liền rất nỗ lực học tập, đạt kết quả xuất sắc, nên ra trường được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Lộc Ngãi C. Trường gồm có cả học sinh người Kinh lẫn dân tộc Tày. Cô giáo xinh xắn, vóc dáng nhỏ bé, chỉ nhỉnh hơn trò lớp 5 một chút, những ngày đầu lên lớp còn run, sợ học trò không nghe lời mình. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ và với cách dạy nhiều sáng tạo, cô nhanh chóng hòa đồng cùng với các thế hệ học trò nhỏ của mình, các em rất ngoan và rất yêu quý cô giáo. Thậm chí sau này khi Ka Liền đã chuyển về dạy tại Trường Tiểu học B’Đạ, có học trò cũ còn viết thư, tự tay làm thiệp nhờ cô giáo Mỹ thuật là bạn của Ka Liền gửi hộ chúc mừng đám cưới của cô giáo, rằng “Em rất nhớ cô. Chúc cô hạnh phúc. Em sẽ cố gắng học để không phụ lòng cô”. Nụ cười hạnh phúc bừng sáng lên trên gương mặt xinh đẹp của cô giáo trẻ. Em bảo “Đó chính là động lực để em mỗi ngày đến lớp càng yêu nghề thêm”. Hai năm dạy ở Trường Tiểu học Lộc Ngãi C, tuy chỉ mới là tập sự, nhưng năm nào Ka Liền cũng được cử thay mặt nhà trường đi dự thi nghiệp vụ sư phạm hay giáo viên giỏi các cấp huyện, cấp tỉnh và đạt thành tích xuất sắc.
 
Chuyển về Trường Tiểu học B’Đạ, rất gần nhà, nhưng Ka Liền lại có nỗi lo riêng. Khác với học sinh người Kinh thường 100% đều qua các lớp mầm non rồi mới vào lớp một; Trường Tiểu học B’Đạ có tới 80% học sinh là người dân tộc Mạ, ít giao tiếp với bên ngoài, tiếng Việt chưa rành, thậm chí nhiều em còn chưa học qua mầm non. Và, để học trò là người dân tộc thiểu số nhanh chóng tiếp thu môn Toán, Ka Liền nghĩ ra cách làm những chiếc thẻ đáp án bằng bìa các màu, khi làm các phép tính cộng, trừ, ban đầu chỉ cần các em giơ đáp án đúng hay sai lên là được, sau đó mới tính đến các con số. Hoặc giờ học Tiếng Việt, với những từ có nhiều âm tiết như oai, ua... sẽ vừa chơi trò chơi vừa tìm vần trên những con thuyền giấy giả tưởng, mỗi học sinh lái một chiếc thuyền. Ai nhanh chóng lái thuyền đến đích và tìm được đúng chữ có cùng vần sẽ được cô giáo khen. May mắn là trường của thị trấn, nên có 10 lớp thì 5 phòng được trang bị máy vi tính. Những môn tự nhiên hay xã hội dạy được bằng máy chiếu, Ka Liền cố gắng tra cứu, tìm trên mạng các hình ảnh minh họa có âm thanh, màu sắc sinh động, vui tươi để học sinh thích thú, dễ tiếp thu.
 
Do vậy mà tỷ lệ học sinh đủ chất lượng lên lớp cuối năm của lớp Ka Liền chủ nhiệm đạt tỷ lệ đến 97%. “Học sinh dân tộc vào lớp một không thể tránh khỏi lưu ban đâu ạ. Vì có bé tiếp thu chậm, có bé do từ nhà vào thẳng lớp một, chưa được tiếp xúc bao nhiêu với tiếng Việt. Những trường hợp này em phải thường xuyên gặp gỡ phụ huynh, vừa nhờ phối hợp giáo dục, vừa để nếu phải lưu ban gia đình không bị bất ngờ và đồng thuận, chứ không chạy theo thành tích để đẩy toàn bộ 100% học sinh đều lên”. Với lại, mang tiếng là thị trấn, nhưng trong các buôn người Mạ cận kề quanh đó vẫn còn nhiều gia đình kinh tế khó khăn lắm. Đôi khi vì gánh nặng ấy mà học sinh bỏ học. Có hôm đến lớp thấy không đủ sỹ số, Ka Liền phải lấy xe chạy vào buôn, đến tận nhà vừa dỗ dành bé, vừa khuyên nhủ, thuyết phục cha mẹ và đón học sinh ra trường học. 
 
Khó khăn là vậy nhưng 7 năm đứng lớp thì có đến 5 năm Ka Liền liên tục được bình chọn là giáo viên dạy giỏi. Cô còn tranh thủ và nỗ lực để hoàn thành xong chương trình liên thông đại học tiểu học rồi mới lập gia đình. Vậy nên mới được ngành Giáo dục Lâm Đồng bình chọn để ra Hà Nội tham gia Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất. Ka Liền rất thấm thía và thật vinh dự như lời Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cũng là một phụ nữ người dân tộc thiểu số căn dặn “500 đại biểu dự lễ tuyên dương lần này, là niềm tự hào của các dân tộc Việt Nam và của mỗi tộc người”. Năm 2018, vợ chồng Ka Liền chuẩn bị đón đứa con đầu lòng chào đời. Hạnh phúc đong đầy trái tim và căn nhà nhỏ của cô giáo xinh xắn, bé nhỏ, người dân tộc Mạ.
 
Hỏi năm 2018 của em sẽ thế nào, Ka Liền bẽn lẽn thưa: “Là giáo viên em chỉ mong được đứng lớp. Nguyện vọng của em được giảng dạy trên chính quê hương mình. Đã đứng trước lớp thì phải làm thế nào dạy cho học sinh người dân tộc nhanh chóng hiểu bài, bằng nhau về kiến thức chung với các trẻ em khác. Nhưng điều mong ước nhất của em là được vào biên chế để ổn định tâm lý, hết lòng vì học sinh thân yêu mà chẳng phải băn khoăn gì...”. Em như cánh phong lan rừng Tây Nguyên, dẫu dáng hoa chỉ mỏng manh vẫn lặng lẽ tỏa hương, khoe sắc làm đẹp cho đại ngàn.
 
H’LINH NIÊ
[poll(7862)]