"Sao chưa đủ ngữ nghĩa để đi đến sự tận cùng"

08:09, 24/09/2018

Câu tự vấn nghe đến xót lòng của anh khiến ai đó vô tình đọc được, sẽ nghĩ rằng anh đang buông xuôi, thở dài bế tắc trong vật lộn áo cơm của nghề "phu chữ". Nhưng ở làng báo Lâm Ðồng, không nhất thiết phải đủ gần mới hiểu, với nhà báo Văn Quang (Ðài PTTH Lâm Ðồng) trong mỗi hành trình đến - đi của mình để gần hơn những mảnh đời cơ cực, những làng quê xa xôi và nghèo đói, hành trang anh mang theo đều đầy ắp hy vọng. Bởi anh luôn tin, lòng tốt vẫn còn hiện hữu thật nhiều trong cuộc sống.

Câu tự vấn nghe đến xót lòng của anh khiến ai đó vô tình đọc được, sẽ nghĩ rằng anh đang buông xuôi, thở dài bế tắc trong vật lộn áo cơm của nghề “phu chữ”. Nhưng ở làng báo Lâm Ðồng, không nhất thiết phải đủ gần mới hiểu, với nhà báo Văn Quang (Ðài PTTH Lâm Ðồng) trong mỗi hành trình đến - đi của mình để gần hơn những mảnh đời cơ cực, những làng quê xa xôi và nghèo đói, hành trang anh mang theo đều đầy ắp hy vọng. Bởi anh luôn tin, lòng tốt vẫn còn hiện hữu thật nhiều trong cuộc sống.
 
Nhà báo Văn Quang
Nhà báo Văn Quang
Tôi có đọc được ở đâu đó, quan niệm của báo chí hiện đại: “Đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và tố cáo những hành vi sai trái là một nhiệm vụ của báo chí, nhưng đó không phải là nhiệm vụ duy nhất. Báo chí phải làm cho người dân thấy cuộc đời này, xã hội này là đáng sống! Và các nhà báo phải ý thức được điều đó và coi quan niệm này như là một tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp”.
 
Khái niệm đó với Văn Quang có lẽ rất hợp. Bởi anh luôn xác tín, lòng tốt và những điều thiện nghĩa trong cuộc sống này luôn tồn tại ở dạng nhiều.
 
Nói anh là phóng viên chuyên “săn” giải thưởng cũng đúng, bởi không thể đếm hết những tác phẩm mà anh đạt được trong rất nhiều giải thưởng, từ thấp đến cao, từ trung ương đến địa phương. Nhưng còn điều gì để anh tiếc nuối... “Thật tình mà nói, tôi luôn hài lòng với tất cả những tác phẩm báo chí đã có giải từ ngày bước chân vào nghề. Nhưng thú thật, đôi khi cũng tiếc nuối, lắm lúc tự trách mình bởi sự thiếu thấu đáo hay chưa đi hết cái ngữ nghĩa của sự tận cùng. Có những lúc, vì nhiều lý do mà sản phẩm của mình chỉ dừng lại ở chuyện nêu vấn đề hay vô số những lý giải mà chưa thỏa mãn những gạch đầu dòng do chính mình đặt ra cũng như sự kỳ vọng của công chúng”.
 
Trái với lẽ thường tình, sự mâu thuẫn luôn là động lực để anh nạp thêm năng lượng, khát khao để thấy mình khỏe hơn, đi được nhiều hơn, dù đôi lúc bước chân ấy cũng đã có phần mỏi mệt, thời gian cũng đã lấy đi rất nhiều thanh xuân với những thất thường của tuổi tác.
 
Cũng giống như hài lòng và tiếc nuối, Văn Quang có thể vun vén cho đời sống của mình tốt hơn nếu như anh chịu khó cày ải “trên cánh đồng chữ nghĩa”. Có thể bớt đi điếu thuốc, tách cà phê buổi sáng, hay vắng những ly rượu mạn đàm tâm giao, nhưng với anh những mảnh đời cơ cực ngoài kia, chỉ cần con chữ của anh có thể cho họ niềm vui, hay một cuộc sống khả dĩ hơn, dù mất đi rất nhiều thời gian cũng khiến anh hạnh phúc.
 
Nhà báo Văn Quang (giữa) tại Lễ trao Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm 2017
Nhà báo Văn Quang (giữa) tại Lễ trao Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm 2017

Như anh từng chia sẻ: “Cô ơi cho con học với!”, Tác phẩm phát thanh không lời bình này có thời lượng dưới 5 phút, dù không tốn nhiều công sức, nhưng đã phải mất gần 3 năm mới có thể hoàn thành sản phẩm.
 
“Bởi tôi trót yêu 5 đứa nhỏ con nhà nghèo không có tiền đến trường, sống trong ngôi nhà dựng tạm bằng mấy tấm tôn cũ người đời vứt bỏ. Khi phóng sự được phát sóng, 5 đứa trẻ ấy đã có nơi trú ngụ trong một ngôi nhà ấm áp được dựng lên bằng tình thương của cộng đồng, của sự hảo tâm của những tấm lòng gần xa. Tụi nhỏ bây giờ đã lớn, đứa nào cũng học cao đẳng, đại học, có vợ, có chồng, thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm”. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến nhiều người thấy anh có được sự hồn nhiên trở lại trên gương mặt vốn nhiều đăm chiêu, sạm màu thời gian.
 
Gắn bó và đồng hành với người nghèo của mảnh đất Nam Tây Nguyên từ khi mới vào nghề, nên không có gì lạ khi anh là “người thân” của chương trình “Vòng tay nhân ái”. Hơn 10 năm nay, anh như người lái đò, chở nặng ân tình tấm lòng của bạn nghe và xem đài gần xa đến với những phận người cơ cực, chịu nhiều thiệt thòi, giúp họ vơi đi nỗi buồn, có thêm chút niềm vui, bởi anh biết rằng “Bầu ơi thương lấy bí cùng” vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống này.
 
TUẤN LINH
[poll(7864)]