Thị trường vũ khí thế giới - Cạnh tranh khốc liệt

05:12, 29/12/2010

Vũ khí - “phương tiện chết chóc” - một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận kếch xù cho các quốc gia, tập đoàn sản xuất vũ khí và đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế. Trong tương lai, “phương tiện chết chóc” sẽ ngày càng tinh vi, hiện đại hơn và vẫn không ngừng được thử nghiệm...

Vũ khí - “phương tiện chết chóc” - một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận kếch xù cho các quốc gia, tập đoàn sản xuất vũ khí và đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế. Trong tương lai, “phương tiện chết chóc” sẽ ngày càng tinh vi, hiện đại hơn và vẫn không ngừng được thử nghiệm...

Nam Á: Thị trường béo bở

Tàu sân bay USS Kitty Hawk - quân đội Mỹ đã ngỏ ý tặng Ấn Độ
Tàu sân bay USS Kitty Hawk - quân đội Mỹ đã ngỏ ý tặng Ấn Độ
Hiện khoảng 90% các hợp đồng mua vũ khí đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt những nước Nam Á, trong đó có Ấn Độ. Nước này từ lâu đã tuyên bố đến trước năm 2016 sẽ mua một lượng vũ khí trị giá lên tới 110 tỷ USD nhằm mở rộng quân bị. Danh mục vũ khí bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, tàu ngầm và pháo hạng nặng.

Mỹ đang dẫn đầu các nhà cung cấp vũ khí cho Ấn Độ với việc bán số máy bay vận tải quân sự trị giá hơn 5 tỷ USD. Mới đây, quân đội Mỹ ngỏ ý tặng Ấn Độ tàu sân bay USS Kitty Hawk đã hết thời hạn phục dịch và Tổng thống Obama đã phê chuẩn bán cho Ấn Độ loại máy bay chiến đấu vốn chỉ cung cấp cho các nước đồng minh. Tất cả đều nhằm mục đích giành được đơn hàng máy bay chiến đấu trị giá 12 tỷ USD của Ấn Độ vào năm tới.

Không nhường bước, Nga cũng không ngừng nới lỏng những hạn chế kỹ thuật trong việc bán vũ khí cho Ấn Độ. Tổng thống Nga Medvedev hy vọng trong chuyến thăm Ấn Độ vào cuối năm nay sẽ ký kết với New Delhi hiệp định hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình, giá trị ước khoảng 30 tỷ USD. Nếu hiệp định này được ký kết, Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 250 máy bay loại này trong 10 năm hợp tác. Pháp cũng mong đợi có thể ký được với Ấn Độ một hợp đồng có tổng trị giá 21 tỷ USD để nâng cấp số máy bay chiến đấu Mirage mà Ấn Độ đã mua của Pháp.

Mỹ, Pháp và Nga đang ráo riết “kết thân” với Ấn Độ, không chỉ vì lượng vũ khí khổng lồ nước này dự tính sẽ mua mà quan trọng hơn, một khi Ấn Độ quyết định mua máy bay chiến đấu của nhà cung cấp nào, điều đó có nghĩa hệ thống điều phối chỉ huy bay và dữ liệu tình báo của Ấn Độ đều phải mua đồng bộ. Theo đó, các nhà cung cấp về sau chắc chắn sẽ có thêm những đơn hàng lớn khác.

Nước láng giềng Ấn Độ, Bangladesh, cũng trong tầm ngắm của những cường quốc xuất khẩu vũ khí khi tiết lộ các kế hoạch mua sắm vũ khí quân dụng hạng nặng, mua mới các máy bay chiến đấu và trực thăng với hệ thống phòng thủ tên lửa trên không tầm ngắn, cụ thể mua mới khoảng 140 xe bọc thép để tăng cường sức mạnh cho quân đội. Việc mua sắm của Bộ Quốc phòng Bangladesh còn được tiếp tục với các xe tăng hiện đại và pháo tự hành nhằm tăng cường phòng không, cũng như một tàu quan sát hiện đại, một hệ thống tên lửa hiện đại và hai tàu tuần tra ngoài khơi sẽ được bổ sung cho lực lượng hải quân.

Mỹ Latinh: Nga, Pháp vượt qua Mỹ

HTV-2 Falcon - vũ khí siêu hạng của Mỹ
HTV-2 Falcon - vũ khí siêu hạng của Mỹ
Mỹ Latinh đang chiếm thế áp đảo trong danh sách nhập khẩu vũ khí. Mạng tin ALAI mới đây trích dẫn một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết trong số các nước đang phát triển trên thế giới, Brazil dẫn đầu về chi phí nhập khẩu vũ khí trong năm 2009 với 7,2 tỷ USD. Venezuela xếp ngay sau với 6,4 tỷ USD, vượt Saudi Arabia (4,2 tỷ USD) và lãnh thổ Đài Loan - Trung Quốc (3,8 tỷ USD). Nếu tính cả giai đoạn 2002-2009, Brazil và Venezuela cũng thuộc 10 nước đang mua sắm vũ khí nhiều nhất.

Ngay tại “sân sau” của mình, Mỹ dường như thất thế. Nga đã vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí số một cho khu vực này. Trong giai đoạn 2002 - 2005, Mátxcơva chỉ kiếm được 600 triệu USD qua các lô vũ khí xuất sang Mỹ Latinh, trong khi Mỹ bỏ túi 1,362 tỷ USD. Trong 4 năm tiếp sau (2006 - 2009), tổng trị giá các chuyến hàng vũ khí từ Nga sang Mỹ Latinh đã lên tới 11,1 tỷ USD - chiếm gần 50% khoản tiền mua sắm vũ khí của khu vực - trong khi Mỹ chỉ thu được 2,426 tỷ USD từ các hợp đồng bán vũ khí cho khu vực này.

Pháp cũng qua mặt Mỹ, chiếm vị trí thứ hai trong số các nhà cung cấp vũ khí cho Mỹ Latinh. Cho tới năm 2005, Pháp chiếm chưa tới 5% giá trị nhập khẩu vũ khí của khu vực và chưa bao giờ giành được hợp đồng nào vượt quá 300 triệu USD. Nhưng trong giai đoạn 2006 - 2010, lượng vũ khí của Paris bán sang khu vực này đã lên tới 6,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần và cao gấp hai lần so với Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp, Brazil đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Pháp. Tổng trị giá các hợp đồng quân sự hai chính phủ của Tổng thống Lula da Silva và Tổng thống Nicolas Sarkozy từng ký kết trong giai đoạn 2005-2009 đã lên tới 10 tỷ USD. Brazil chủ yếu mua tàu ngầm Scopèrne của Pháp.

Ngoài ra, Trung Đông cũng là thị trường vũ khí lớn của Mỹ và Nga. Hai cường quốc vũ khí này đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt vì lợi ích kinh tế, lợi ích chiến lược...

Cuộc đua của những vũ khí siêu hạng tương lai

Mạng “Báo cáo tình báo hàng ngày” (Mỹ) cho biết, các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thử nghiệm lần hai loại vũ khí siêu hạng HTV-2 Falcon vào năm 2011. Máy bay Falcon với tốc độ bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh, nằm trong Chương trình Tiến công toàn cầu nhanh hơn thông thường (CPGS) của Lầu Năm Góc - một chương trình nhằm phát triển các loại vũ khí chiến lược phi hạt nhân - có thể phát động một cuộc tấn công quân sự ở bất cứ đâu trên thế giới trong thời gian chưa đến một giờ.

Triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 8 tại Chu Hải (Quảng Châu, Trung Quốc), Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày một loạt loại tên lửa hành trình chống hạm, bao gồm C-602, C-705 và C-802A, khiến nhiều nước bất ngờ. Trong khi đó, các tên lửa dẫn đường FT của Tập đoàn khoa học kỹ thuật vũ trụ TQ cũng khiến khách tham quan không khỏi kinh ngạc. Theo giới thiệu, các tên lửa dẫn đường FT-3 và FT-6 khi bắn thử đã lập kỷ lục mới về độ chính xác “sai số bằng không” và tỷ lệ thành công của nhiều lần bắn thử đạt đến 100%. Tập đoàn phòng không Almaz-Antei (Nga) cũng trình làng hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, S-300PMU-2 Favorit, Buk-M2E, Tor-M2E, và nhiều sản phẩm quân dụng khác. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 là hai phương tiện hiệu quả nhất; S-300PMU-2 Favorit bảo đảm đánh chặn các mục tiêu tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm trung và các mục tiêu trên mặt đất hoạt động ở tầm xa 195 km. Hiện Almaz-Antei là cơ sở dẫn đầu khối công nghiệp quân sự Nga và nằm trong danh sách 30 hãng sản xuất kỹ thuật quân sự lớn nhất thế giới. Tính đến nay, sản phẩm của Almaz-Antei đã có mặt tại hơn 50 nước trên thế giới.

SGGP