Nhã nhạc cung đình Huế, nhìn từ nhà hát Duyệt Thị Đường

12:01, 21/01/2011

(LĐ online) - UNESCO đã nhận xét: “Trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”, và “Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn thì nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.

[links()] Đôi nét chung về Nhã nhạc cung đình Huế

(LĐ online) - Năm 2003, UNESCO – Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc – công nhận nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc cung đình thời phong kiến được diễn ra trong các dịp lễ hội lớn của cung đình Huế như dịp vua đăng quang, vua băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác… Nhã nhạc cung đình Huế diễn ra trong năm như một loại hình văn hóa độc đáo của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam.

UNESCO đã nhận xét: “Trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”, và “Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn thì nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.

Trong lịch sử âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhã nhạc cung đình Huế gắn liền với sự ra đời và các hoạt động của nhà hát Duyệt Thị Đường tại Huế. Nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi “Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng khí chí/Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi” (dịch nghĩa: Âm nhạc cùng phô bày, hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí/Thiện ác đồng trình diện, khiến giữ được cái tốt (cái đúng) mà giới hạn cái xấu (cái sai)”(1). Nhà hát Duỵêt Thị Đường nằm bên cạnh Tử Cấm Thành, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên diện tích 1.180m2 trong một khuôn viên rộng đến 11.740m2. Đây là nơi dành riêng cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và quốc khách của triều đình đến xem biểu diễn nghệ thuật.

Nhã nhạc với tư cách là một thành quả sáng tạo văn hóa của con người đã hình thành và tồn tại từ nhiều năm qua trong lịch sử và trong đời sống hiện tại. Trong lịch sử, nhã nhạc cung đình Huế đã gắn liền với sự phát triển của các triều đại nhà Nguyễn. Sau sự sụp đổ của chế độ phong kiến, nhã nhạc với tư cách là một bộ phận văn hóa của dân tộc đã không những không mất đi cùng với chế độ chính trị mà còn có một sức sống rất kỳ diệu khi chính cái “vỏ bọc” chế độ của nó mất đi (1945), và thay thế vào đó là một chính thể hoàn toàn mới.

Một trong những lý giải cho sức sống mãnh liệt của nhã nhạc cung đình Huế chính là ở giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Các nhà nghiên cứu đưa ra cách hiểu về nhã nhạc: Nhã nhạc đồng nghĩa với nhạc lễ cung đình, nó bao hàm tất cả các tổ chức dàn nhạc lễ. Thuật ngữ “nhã nhạc” có liên quan đến âm nhạc cung đình của bốn nước đồng văn là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đầu tiên, nhã nhạc xuất hiện ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI – thế kỷ III trước Công nguyên). Sau đó, nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng là Nhật Bản (thế kỷ VIII), Triều Tiên (thế kỷ XII) và Việt Nam (thế kỷ XV). Tuy có những đặc điểm cơ bản giống nhau nhưng nhã nhạc của từng quốc gia vẫn có những nét riêng biệt. Ở Việt Nam, nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn thì loại hình âm nhạc này mới có bước phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác.

Tại Việt Nam, âm nhạc dân gian phát triển khá phong phú ở cả ba miền. Nền âm nhạc dân gian ấy gắn liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành và lúc lìa bỏ cõi trần. Con người ngay từ khi mới được sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi luôn gắn liền với những bài đồng dao, hát ru, hò, lý, ca trù, ca Huế, bài chòi, ca tài tử… Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Khê, “nhạc cung đình chỉ có ở miền Trung, và đặc biệt tại Huế mới còn có di tích của bộ môn âm nhạc độc đáo, tinh vi mà chúng ta đến ngày nay chưa nhận thấy được hết cái giá trị của bộ môn đó”(2). Cũng theo GS Trần Văn Khê thì nhã nhạc cung đình Huế còn có giá trị rất độc đáo ở chỗ: “chẳng có bộ môn âm nhạc nào được ghi vào sử sách Việt Nam từ xưa đến giờ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của các triều đại, biến cố trong đất nước, vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể, có thể dùng làm những bài học cho chúng ta về nhiều mặt nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản phong phú và quan điểm thẩm mỹ rất sâu sắc”(3).

Giá Trị nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế

Tại Việt Nam, âm nhạc dân gian phát triển khá phong phú ở cả ba miền. Nền âm nhạc dân gian ấy gắn liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành và lúc lìa bỏ cõi trần. Con người ngay từ khi mới được sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi luôn gắn liền với những bài đồng dao, hát ru, hò, lý, ca trù, ca Huế, bài chòi, ca tài tử… Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Khê, “nhạc cung đình chỉ có ở miền Trung, và đặc biệt tại Huế mới còn có di tích của bộ môn âm nhạc độc đáo, tinh vi mà chúng ta đến ngày nay chưa nhận thấy được hết cái giá trị của bộ môn đó”(2).

Cũng theo GS Trần Văn Khê thì nhã nhạc cung đình Huế còn có giá trị rất độc đáo ở chỗ: “chẳng có bộ môn âm nhạc nào được ghi vào sử sách Việt Nam từ xưa đến giờ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của các triều đại, biến cố trong đất nước, vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể, có thể dùng làm những bài học cho chúng ta về nhiều mặt nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản phong phú và quan điểm thẩm mỹ rất sâu sắc”(3).

Nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị nghệ thuật rất cao, mà theo giải thích của GS Trần Văn Khê là: “Nhạc khí dùng trong nhạc cung đình rất đẹp trong hình thức, đóng ráp kỹ, chạm trổ khéo, đầy đủ màu âm, có tiếng kim, tiếng thổ, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng đồng, tiếng đá, tiếng da, tiếng mộc. Dàn nhạc đa dạng: Đại nhạc gồm đại hồng chung, trống đại, trống võ, bồng, mõ, thanh la, chập chõa, sinh tiền, kèn, nhị; tiểu nhạc (hay nhã nhạc) có đàn dây tơ: đàn nguyệt (2 dây), đàn tam (3 dây), tỳ bà (4 dây), đàn nhị (2 dây có cung kéo); có hai sáo trúc, trống bảng một mặt, 3 thanh la nhỏ, sinh tiền”(4).

Cũng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê thì “Trong dàn Nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đàn nguyệt, tiếng chuyền tiếng rơi vào nhịp nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng phi bay bướm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đàn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve “nên lời dịu ngọt”, tiếng đục của đàn tam đem tiếng thổ chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút “như tiếng hạc bay qua” của hai ống sáo, tất cả nhạc khí ấy cùng theo nhịp do tiếng trống bảng dìu dắt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh diện khi vào nội phách khi ra ngoại phách, toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài Ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phấm Tuyết, Nguyên Tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ Quảng, Liên Hoàn, Bình Bán, Tây Mai, Kim Tiền, rộn rã từ Xuân Phong, Long Hổ đi đến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tẩu Mã”(5).

Từ hơn 90 năm trước – năm 1918, khi chứng kiến lễ Tế Giao diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, nhà báo Phạm Quỳnh trong bút ký “Mười ngày ở Huế” đã ghi lại cảm xúc của mình: “Ngoài sân phường ca hát ca khúc An thành, vừa múa, vừa hát. Đương đêm hơn một trăm con người đồng thanh hát ca, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm (…) cái tấm lòng thành của cả một dân tộc, một nước”, “Cảnh giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp sáng trong đàn thành từng dãy dọc, dãy ngang, trông xa như một chữ Triện lớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lưng chừng trời. Tiếng đàn, tiếng sáo thì như nước chảy, suối reo, tiếng hát như tiếng thiên thần…” (6).
Với những giá trị về nhiều mặt và rất đặc trưng của loại hình nhã nhạc của Việt Nam, ngày 7.11.2003 tại Paris, ông Koichiro Matsura – Tổng Giám đốc UNESCO – tuyên bố: Nhã nhạc cung đình Huế (cùng với 27 kiệt tác của các quốc gia khác) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Khắc Dũng
 
(1): Đây là hai câu đối của vua Minh Mạng được treo trên vòm nhà ở lầu hai của nhà hát Duyệt Thị Đường, nơi vua ngồi xem nhã nhạc.
(2), (3), (5), (15): Trần Văn Khê: Giá trị của nhạc cung đình Huế. Tạp chí Sông Hương, tháng 6.2009.
(4): Trần Văn Khê, tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế về nhã nhạc cung đình Huế diễn ra tại Huế trong hai ngày 26 – 27.8.2002: “Giá trị lịch sử và nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế”, tạp chí Kiến thức ngày nay, tháng 9.2002, tr. 7 – 11.
(6): Dẫn theo tác giả Bình Phương, Phòng Văn nghệ Đài PTTH Thừa Thiên Huế, tháng 6.2008.