Bến Nhà Rồng và những dấu son trên con đường cứu nước của Bác Hồ

04:02, 09/02/2011

100 năm trước, Bác Hồ đã từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. 30 năm sau đó, Người trở về mảnh đất địa đầu phía Bắc Tổ quốc, mở ra một thời đại mới của cách mạng Việt Nam - một thời đại mà không một thế lực phản động nào có thể ngăn cản được.

100 năm trước, Bác Hồ đã từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. 30 năm sau đó, Người trở về mảnh đất địa đầu phía Bắc Tổ quốc, mở ra một thời đại mới của cách mạng Việt Nam - một thời đại mà không một thế lực phản động nào có thể ngăn cản được.
 
Bến nhà Rồng -  Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.  Ảnh Internet
Bến nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh Internet

Bến Nhà Rồng nằm trên bờ sông Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu La Tút sơ - Tơrêvin thuộc hãng tàu biển Năm Sao xin làm phụ bếp để có điều kiện đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Nhà Rồng do hãng vận tải Hoàng gia của Pháp khởi công xây dựng cùng với bến tàu biển năm 1862, hoàn thành năm 1865. Ngôi nhà cao ba tầng có chiều dài 35m, rộng 27m. Mỗi tầng có hành lang rộng 4m chạy bao bọc xung quanh. Tường sơn màu gạch đỏ. Cửa sổ mở ra bốn hướng đón gió và ánh sáng từ mọi phía. Bên ngoài hành lang là hàng cột hiên cao to tạo cho ngôi nhà một vẻ uy nghi. Đầu các cột hiên tầng một được nối với nhau bằng những đường cong đều đặn, uyển chuyển. Dưới chân các cột hiên tầng hai, ba gắn lan can có hoa văn trang trí nhã nhặn, đẹp mắt. Kiến trúc nhà theo kiểu Pháp, mái nhà lại theo phong cách Á Đông với các chi tiết trang trí thuần Việt, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Giữa nóc có biểu tượng mặt trăng, hai bên có đôi rồng chầu. Các góc mái nhà có bốn con cá chép hóa rồng - biểu tượng thường thấy ở các công trình Việt cổ. Năm 1920 mặt nguyệt được thay bằng phù hiệu của hãng tàu Hoàng gia: Vương miện Hoàng hậu - tượng trưng cho Hoàng gia; Mỏ neo - tượng trưng tàu biển và Đầu ngựa - tượng trưng cho vận tải chuyển tiếp trên bộ. Hai con rồng vẫn giữ nguyên nhưng quay đầu ra hai bên nóc nhà. Từ biểu tượng con Rồng nên dân gian gọi nôm na là Nhà Rồng và bến tàu có tên là Bến Nhà Rồng. Toàn bộ kiến trúc Nhà Rồng đã được bảo tồn nguyên vẹn và nay đã trở thành khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bộ phận trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng là chứng tích của quyết định táo bạo và cao cả của người thanh niên có chí lớn Nguyễn Tất Thành: "Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta".

Ba mươi năm sau đó, Người đã tìm hiểu nhiều nước khắp năm châu bốn bể; kiên trì, quyết tâm học tập những tinh hoa văn hóa của nhân loại và lý luận cách mạng của giai cấp công nhân; tích cực hoạt động trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và giải phóng dân tộc các nước thuộc địa. Trên chặng đường đầy gian khổ và nguy hiểm ấy, Người đã sớm xác định cho dân tộc ta một đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo. Đường lối ấy đã được thể hiện trong "Đường cách mệnh" (năm 1927), "Chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt" (năm 1930). Mặc dù bị sự đả kích quyết liệt của đường lối tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế và trong nước, nhưng đường lối do Người vạch ra đã được phong trào cách mạng nước ta kiểm định sự chân xác. Năm 1941, thời cơ giải phóng dân tộc, giành độc lập - dân chủ cho đất nước đã đến, Người đã quyết định về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

Cách đây đúng 70 năm một sự kiện lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã diễn ra: Ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ - tức 28 tháng 1 năm 1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Đến cột mốc số 108 trên bên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đã đứng lặng hồi lâu, bồi hồi, xúc động. Những ngày tết năm ấy, Người ở nhà một người họ Dương thuộc bản Pắc Pó, xã Trường Hà với bí danh Già Thu.

Ngày 8 tháng 2 năm 1941, Người chuyển lên ở hang Cốc Bó - tiếng Nùng là đầu nguồn. Nơi đây địa thế hiểm trở, hang núi sâu thông ra một con đường kín đáo dẫn sang bên kia biên giới. Quần chúng trong vùng ý thức giác ngộ cách mạng cao, đội ngũ cán bộ địa phương giàu nhiệt huyết, trung thành. Ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Khuổi Nậm - một địa điểm cách Cốc Bó gần một cây số, Người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định những nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Trong hội nghị này, theo sáng kiến của Người, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Nam nhằm huy động lực lượng toàn thể dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến đấu hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc.
Sự kiện mùa xuân năm 1941 là một bước ngoặt to lớn mở đường dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi rực rỡ trong những chặng  đường tiếp theo của cách mạng nước ta.

Mồng 6 Tết năm Tân Sửu, cách đây đúng 50 năm (năm 1961), Bác Hồ trở lại thăm Pắc Bó - tỉnh Cao Bằng. Sáng hôm ấy, chiếc trực thăng đưa Bác Hồ và đoàn cán bộ cùng đi đến sân bay Nà Can - thị xã Cao Bằng, Bác đã lên ô tô đi thẳng về bản Pắc Bó, nơi trước đây 20 năm, đồng bào đã có công giúp đỡ, bảo vệ Người và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng. Bác Hồ đến thăm gia đình Bác đã ở và thăm hỏi chúc tết một cụ bà cao tuổi nhất bản Pắc Bó. Bà con trong bản Pắc Bó, trong xã Trường Hà đưa các loại bánh tết đến mừng Bác Hồ, Bác mời bà con cùng ngồi trên bãi cỏ đầu bản ăn bánh, ôn lại chuyện cũ; Bác nhắc nhở mọi người những công việc cần làm để xây dựng bản, xã ngày một ấm no, hạnh phúc. Trước lúc chia tay mọi người, Bác Hồ tặng đồng bào bài thơ "Thăm lại Pắc Bó".

Hai mươi năm trước nơi này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Mỹ
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.

Từ dấu son năm 1911, chặng đường lịch sử một thế kỷ qua đã khẳng định chân lý: Con đường Hồ Chí Minh đã chỉ ra, tư tưởng Hồ Chí Minh đã dắt dẫn là quy luật xây dựng và phát triển để có một "non sông gấm vóc" Việt Nam.
 
NGÔ DIỆP