Vang Pao: “người hùng” một thời của CIA

07:02, 16/02/2011

Ngày 6-1, cựu tướng Lào gốc người Mông Vang Pao đã qua đời ở tuổi 81 trong một bệnh viện tại Clovis, bang California (Mỹ) vì biến chứng viêm phổi. Một trang trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, trong đó Vang Pao là vai chính, đã kết thúc.

Ngày 6-1, cựu tướng Lào gốc người Mông Vang Pao đã qua đời ở tuổi 81 trong một bệnh viện tại Clovis, bang California (Mỹ) vì biến chứng viêm phổi. Một trang trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, trong đó Vang Pao là vai chính, đã kết thúc.

 

Tướng Vang Pao tại căn cứ Pa Dong năm 1961...  - Ảnh: Life
Tướng Vang Pao tại căn cứ Pa Dong năm 1961... - Ảnh: Life

Trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ một ngày sau đó, một nhà báo đã hỏi trợ lý ngoại trưởng Philip J. Crowley: “Ông có bình luận gì về cái chết của Vang Pao đêm qua, người từng đóng vai trò đáng kể trong chính sách của Hoa Kỳ ở một giai đoạn khó khăn?”. Câu trả lời của trợ lý ngoại trưởng Crowley phản ánh đầy đủ quan điểm của Mỹ: “Sau tất cả những gì ông ấy đã làm... Chúng tôi thành kính phân ưu với gia đình ông Vang Pao cùng rất đông thân hữu của ông cả ở trong lẫn ở ngoài cộng đồng người Mông”.

Tướng lưu vong Vang Pao đã đóng vai trò gì trong chiến tranh Việt Nam và cả Đông Dương để được Bộ Ngoại giao Mỹ nay thành kính phân ưu như thế, nhất là mới cách đây ba năm rưỡi Vang Pao từng bị an ninh Mỹ bắt giam và truy tố ra tòa?

Hết thời rồi, rửa tay gác kiếm đi!

Thật vậy, ngày 4-6-2007, “người hùng” một thời của các lực lượng trong bóng tối của CIA ở Đông Dương trong chiến tranh Việt Nam, cựu thiếu tướng “quân đội hoàng gia Lào” Vang Pao đã bị chính hai cơ quan an ninh Mỹ - Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan ATF chuyên bài trừ buôn lậu súng đạn - cùng phối hợp bắt giữ tại thủ phủ Sacramento, bang California. Vang Pao bị cáo buộc đứng đầu một âm mưu lật đổ Chính phủ Lào, với tang chứng là hàng trăm vũ khí và thiết bị sẽ được chuyển đến Thái Lan gồm súng AK-47, hỏa tiễn phòng không cầm tay Stinger, hỏa tiễn chống chiến xa LAW, mìn Claymore, chất nổ C-4... tìm thấy trong nhà ông ta và của một chục thuộc hạ.

Vang Pao có âm mưu lật đổ Chính phủ Lào hay không thực hư chưa rõ, song dính dáng đến buôn lậu vũ khí rõ ràng là có. Vang Pao đã bị bắt quả tang sau khi một nhân viên ATF cải trang thành “cò” bán súng tiếp cận, gài bẫy rằng muốn mua một lượng vũ khí lên đến hàng trăm khẩu các loại nêu trên. Nhân viên ATF này đã dựng ra kịch bản chuyển số vũ khí trên sang thả dù bên Thái Lan và Lào, tuyển một toán lính đánh thuê đưa sang Vientiane chờ thời điểm thích hợp tấn công Chính phủ Lào... để Vang Pao vừa trả lời OK thì hơn 200 nhân viên an ninh liên bang và địa phương cùng lúc ập vào nhà Vang Pao và thuộc hạ khám xét, tịch thu số vũ khí nêu trên, bắt giải đi và gán tội danh “âm mưu lật đổ Chính phủ Lào”.

Chuyên án trên mang tên “Chiến dịch đại bàng rũ cánh” - Operation Tarnished Eagle (1) - quả rất thích hợp để mô tả người đàn ông năm ấy 76 tuổi từng được biết đến dưới nhiều tên gọi như “tướng Lào phỉ”, “tướng xịa” (CIA). Tên chiến dịch trên cho thấy đây là một vụ gài bẫy tài tình để sau đó cảnh cáo Vang Pao rằng “Mỹ không thể là chỗ ẩn náu an toàn cho những ai âm mưu lật đổ một chính phủ mà chúng ta đang cùng họ giao hảo hòa bình” như theo lời chưởng lý McGregor W. Scott, người đứng đầu tư pháp bang California, trong cuộc họp báo ở Sacramento hôm 4-6-2007 ngay sau khi Vang Pao bị bắt.

Đến trước khi bị bắt, Vang Pao vẫn ngỡ rằng mình là lãnh tụ của người Mông ở Lào như ngày nào còn được CIA và quân đội Mỹ tin dùng. Ông ta không hiểu rằng với thời gian trôi đi, quan hệ Mỹ - Lào đã thay đổi, nhất là trong bối cảnh cuộc “chạy đua giành ảnh hưởng” ở Đông Nam Á. Rõ ràng “lá bài” Vang Pao ngày nào nay đã trở thành một chướng ngại vật “bằng xương bằng thịt” trong quan hệ Mỹ - Lào ngày càng cần được vững chãi hơn.

Thật ra phía Mỹ đã phát ra nhiều tín hiệu đổi thay, song Vang Pao không để ý nhận ra. Ngay từ năm 2004, trong một cuộc họp với nghị sĩ Norm Coleman và trợ lý phụ tá ngoại trưởng Matt Daley, Vang Pao đã được thông báo rằng: “Mỹ có nghĩa vụ giúp người Mông đã hi sinh giúp Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, song Bộ Ngoại giao Mỹ xem đó chỉ là một vấn đề nhân đạo chứ không ủng hộ việc kình chống vũ trang chống lại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đồng thời khuyến cáo từ bỏ hoạt động như thế” (VOA 28-1-2004).

Một năm trước khi bắt Vang Pao, nhà báo chuyên về Đông Dương Richard S. Ehrlic tung ra trên Asia Times 25-6-2006 một cảnh báo rất rõ: “Trong 30 năm qua, Chính phủ Lào luôn ta thán về những hoạt động của Vang Pao có dính dáng đến một nhóm thiểu số người Mông...”. Tiếc thay, Vang Pao vẫn chưa chịu nhận ra. Thế là ông ta bị gài bẫy và xộ khám vào năm sau.

Song vụ bắt giữ này chỉ là một cảnh cáo. Ngày 12-7-2007 Vang Pao được cho tại ngoại. Một tháng giam giữ đủ để ông ta hiểu thế nào là thời thế. Hơn hai năm sau, ngày 18-9-2009, chính phủ liên bang hủy mọi cáo buộc chống lại Vang Pao.

 

...Và sau khi được đưa sang Mỹ - Ảnh: nysun.com

Vua một cõi

Ngày 11-5 năm ngoái, cũng Richard S. Ehrlic viết trong bài báo của mình về chuyện tướng Khattiya “Seh Daeng” cầm đầu phe “áo đỏ” cố thủ ở Bangkok (Thái Lan) đã khoe rằng: “Tôi từng cộng tác với CIA, từng giết đến 20 tên cộng sản Thái và từng “bốc” tướng Vang Pao sang Mỹ! Tôi đã cùng Vang Pao lánh trong một ngôi nhà cơ sở mật. Rồi từ Thái Lan, tôi đã đưa Vang Pao nhập lậu sang Malaysia đến Penang và gửi ông ta sang Mỹ. Tôi cũng đã giúp Vang Pao quyên góp gây quỹ chống cộng bên Mỹ trong mấy thập niên qua” (2). Sáu ngày sau bài báo trên, tướng “áo đỏ” Seh Daeng bị bắn chết, nay đến lượt Vang Pao. Hai “người hùng” trong bóng tối của chiến tranh Việt Nam lần lượt ra đi!

Seh Daeng thật ra chỉ ở vai “đàn em” Vang Pao, người đã khởi sự binh nghiệp trong quân đội Pháp thời chiến tranh chống Nhật. Thời đó còn gọi là “vô bưng của người Mèo” (người Mông, theo cách gọi thời đó). Sau khi Lào độc lập, Vang Pao gia nhập quân đội hoàng gia Lào và là người Mông duy nhất leo lên đến cấp tướng. Sang thập niên 1960 và 1970, Vang Pao là thủ lĩnh một đội quân đặc biệt người Mông do CIA tuyển dụng và huấn luyện.

Hoạt động của Vang Pao được Winston Lord thuộc Hội đồng an ninh quốc gia nêu trong một báo cáo gửi cố vấn Kissinger năm 1969: “Liệu tổng thống có thật sự kiểm soát được chính sách của chúng ta về Lào?”. Câu trả lời tập trung vào vai trò của Vang Pao: “CIA được tự chủ đến đâu ở đất nước ấy? Các cuộc tấn công mới đây của Vang Pao là một thí dụ. Cánh quân phi chính quy người Mông của Vang Pao luôn được xem là cánh tay hành động của CIA. Song ai đã ra lệnh cho cánh quân đó nổ súng chiếm đóng cánh đồng Chum? Souvanna Phouma (thủ tướng hoàng gia Lào thời đó)? Vang Pao? CIA hay là tổng thống? Phải chăng Vang Pao được toàn quyền tấn chiếm lãnh thổ thỏa thích với sự hậu thuẫn hoàn toàn của Mỹ, bất kể tác động đến chính sách chung ra sao?” (3).

Câu hỏi trên cho thấy Winston Lord rất bực mình trước sự tự tung tự tác của Vang Pao. Sau khi nhận được báo cáo này, cố vấn Kissinger nêu lại vấn đề với tổng thống Nixon: “...Các báo cáo về những đợt tấn công mới đây của Vang Pao tại phía bắc Trung bộ Lào đặt ra một số câu hỏi liên quan: a/ Ai lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ấy của người Lào? b/Ai đề ra mục tiêu? c/ Những thủ tục liên quan các câu hỏi vừa nêu?... Nếu tổng thống duyệt, tôi sẽ tham vấn các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cùng giám đốc CIA về các biện pháp có thể tiến hành nhằm cải thiện mức độ kiểm soát tình hình lên kế hoạch và hành động ở Lào” (4).

Có thể thấy qua các tài liệu trên của Winston Lord (sau này trở thành thượng nghị sĩ) và của cố vấn Kissinger, Vang Pao đã tự tiện hành động như là vua một cõi. Sau năm 1975, Vang Pao chạy sang Mỹ, đóng vai trò lãnh đạo kháng chiến của người Mông đến khi được “cảm ơn” năm 2007 bằng vụ bố ráp bắt giam.

Theo HỮU NGHỊ (tuổi trẻ cuối tuần)

 

Quan hệ Mỹ - Lào

Quan hệ ngoại giao đầy đủ được tái lập năm 1982 với một cơ quan đại diện cấp đại sứ. Quan hệ trong giai đoạn này tập trung vào việc tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) tại Lào trong chiến tranh Việt Nam. Tháng 12-2004, tổng thống George W. Bush ký một đạo luật mở rộng quan hệ thương mại bình thường với Lào. Tháng 2-2005, hiệp định thương mại song phương Mỹ - Lào bắt đầu có hiệu lực. Năm 2008, Mỹ thiết lập lại văn phòng tùy viên quân sự trong sứ quán. Năm tài chính 2009, Mỹ cung cấp hơn 18 triệu USD cho các chiến dịch bài trừ ma túy, hiện cũng là một phần quan trọng trong quan hệ song phương. Tháng 7-2010, Phó thủ tướng Lào kiêm Bộ trưởng ngoại giao Thongloun Sisoulith gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton và hai bên ký hiệp định hàng không dân sự mở cửa bầu trời.

(Nguồn: http://www.state.gov/r/pa/ei/bgn/2770.htm)

__________

(1) “Operation Tarnished Eagle” Thwarts Plot to Overthrow the Government of Laos, Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives.
(2) On Guard at Bangkok’s Frontlines, By Richard S. Ehrlic
http://www.tannetwork.tv/tan/ViewData.aspx?DataID=1028949.
(3), (4) Foreign Relations of the United States, 1969-1976, Volume VI, Vietnam, January 1969-July 1970.