Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đặt nền móng xây dựng Quốc hội đầu tiên của Việt Nam

03:04, 21/04/2011

Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời và nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964.
Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời và nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Nhấn mạnh yêu cầu cần thiết tiến hành Tổng tuyển cử, đồng thời cũng nêu rõ cơ sở pháp lý để có thể tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47-SL Chính phủ lâm thời nêu rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo thể chế dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa. Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm”. Sắc lệnh cũng định rõ thời hạn tổ chức Tổng tuyển cử; đối tượng tham gia bầu cử và ứng cử; lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và dự thảo một bản hiến pháp đệ trình Quốc hội… Tiếp đó, hàng loạt Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã được ban hành nhằm chuẩn bị tích cực cho ngày Tổng tuyển cử được dự định ngày 23/12/1945. Tuy nhiên, do điều kiện trong nước và nhằm tạo điều kiện cho việc chuẩn bị Tổng tuyển cử chu đáo hơn, đồng thời giúp cho các ứng cử viên có nhiều thời gian nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Người ký sắc lệnh hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Có thể thấy rằng trong tình hình đất nước đặc biệt khó khăn bởi nạn ngoại xâm, sự chống phá điên cuồng của các lực lượng phản động trong nước và nền kinh tế nghèo nàn, kiệt quệ, nạn đói đe dọa nghiêm trọng, hơn 90% dân số mù chữ và kho bạc gần như trống rỗng… những việc làm thiết thực của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã có một ý nghĩa vô cùng to lớn, bảo đảm chu đáo cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hơn lúc nào hết, quá trình chuẩn bị cho Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là quá trình đấu tranh quyết liệt của Đảng và nhân dân ta với những hành động phá hoại, chống phá của các thế lực phản động, đồng thời lại vừa thực hiện sách lược mềm dẻo, nhân nhượng có nguyên tắc và hòa giải để có thể tiến tới tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Đồng thời, Ủy ban dự thảo Hiến pháp ra đời đã làm việc khẩn trương và hoàn thành bản dự thảo Hiến Pháp có sự thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa của Hội đồng Chính phủ. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và sự cố gắng hết mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử và soạn thảo Hiến Pháp của nước Việt nam dân chủ cộng hòa đã được thực hiện thật sự dân chủ vì đất nước, vì lợi ích toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Chính phủ của Chính phủ liên hiệp lâm thời, kiểm tra lần cuối những công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người dân một nước độc lập: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình … Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước…” và “ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”.
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Ba tháng sau ngày tuyên bố độc lập, với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của người dân một nước vừa giành được độc lập sau 80 năm làm nô lệ, nhân dân cả nước với 89% số cử tri đi bỏ phiếu (có nơi đạt 95%), nhân dân Việt Nam đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong số 333 đại biểu được bầu có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử và bầu cử ở Hà Nội, Người được lựa chọn với 169.222 phiếu bầu, chiếm (98,4%).

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam. Dù trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả, dù đã phải đổ máu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện thắng lợi quyền công dân của mình, đã bầu ra Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại của đất nước; khẳng định niềm tin sâu sắc của nhân dân Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước vận mệnh của nước nhà.

VIỆT DŨNG (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng)