Sau chiến tranh, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ, họ lại trở về với đời thường. Đối với họ, những ngày tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt là những kỷ niệm không thể nào quên.
Trận đánh quyết thắng
Đầu năm 1975, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công quân địch ở khắp nơi. Ta làm chủ tình hình, thời cơ chín muồi, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công giải phóng miền Nam.
Trung đoàn Thạch Hản cắm cờ lên Bộ Tổng tham mưu ngụy. Ảnh tư liệu |
Chiến dịch diễn ra từ đầu tháng 4/1975, các mục tiêu đã được xác định, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu (BTTM) ngụy được xếp là mục tiêu số 1. Lúc này, tất cả vì miền Nam, cả nước lên đường mở cuộc hành quân thần tốc. Quân đoàn 1 được giao mục tiêu số 1, tiến theo hướng đông -bắc vào Sài Gòn đánh chiếm BTTM ngụy. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B, được mệnh danh là “Tiểu đoàn thép” được giao nhiệm vụ, đánh chiếm, cắm cờ trên nóc nhà BTTM ngụy. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định thành lập tổ cắm cờ do đồng chí Lại Đức Lưu, Đại đội trưởng Đại đội 5 làm tổ trưởng, cùng 3 đồng chí trinh sát của tiểu đoàn vừa được tăng cường gồm: Nguyễn Duy Đông, Đỗ Xuân Hương, Trịnh Bá Uẩn là tổ viên đồng thời làm nhiệm vụ cắm cờ. Đại đội 5 bộ binh được giao trọng trách mũi nhọn chủ công tổ chức chiến đấu mở đường vào BTTM Ngụy yểm trợ cho tổ cắm cờ. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông và Chính trị viên Tiểu đoàn Bùi Văn Lung. Mũi tiến quân được phối hợp xe tăng, pháo binh các hỏa lực khác cùng vào trận.
Sáng ngày 29/4/1975, hai đại đội 6 và 7 của Tiểu đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn 1 tấn công cụm cứ điểm Tân Uyên, quân ta thắng lợi giòn giã, xóa sổ hoàn toàn cứ điểm này, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch. Trận thắng ban đầu đã mở đường cho Tiểu đoàn 2 thọc sâu, đánh chiếm Sài Gòn.
Sáng 30/4/1975, tổ trinh sát cùng xe tăng, vũ khí sẵn sàng, tiến vào Sài Gòn. Mũi tiến công của ta đối mặt với quân địch tại cầu Bình Triệu. Thời gian này, cả miền Nam đồng loạt tấn công, giặc thất thủ ở nhiều nơi, chúng dồn quân cố thủ Sài Gòn. Tại cầu Bình Triệu, giặc tăng cường rất nhiều xe tăng, xe bọc thép, chúng ngoan cố chống trả quyết liệt. Xe tăng, hỏa lực bộ binh ta dồn dập tấn công, những cụm lửa khổng lồ thiêu cháy nhiều xe tăng giặc. Thừa thắng, Tiểu đoàn 2 xông lên. Xe tăng dẫn đường vượt cầu xông lên áp sát một xe tăng giặc. Đồng chí Đông lao lên, bắt chúng đầu hàng; Hương, Uẩn, Lưu và Tiến (liên lạc) cùng lên tiếp sức. Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông cũng kịp thời lệnh cho xe giặc quay đầu dẫn đường quân ta tiến vào Sài Gòn đánh BTTM ngụy.
Xe cắm cờ giải phóng băng băng trên đường phố Sài Gòn rồi tiến thẳng vào cổng số 2 BTTM ngụy, xe dẫn đường áp sát 2 lô cốt bảo vệ. Giặc trong hang ổ bắn AR15 chống trả. Lập tức quân ta xả đạn quyết liệt tiêu diệt lô cốt phải. Đông phối hợp ném lựu đạn tiêu diệt lô cốt trái, lập tức xe bọc thép chở tổ cắm cờ húc tung cánh cổng sắt khu BTTM. Giặc hoảng loạn co cụm chống cự. Xe tăng “cõng” bộ binh cùng đội hình đơn vị thọc sâu ào ạt xông vào. Thế tấn công của ta mạnh như chẻ tre, pháo tăng gầm rít, súng bộ binh cùng lựu đạn nổ đanh quật ngã nhiều sinh lực địch trong khuôn viên BTTM.
Xe dẫn đầu xông thẳng đến cửa nhà BTTM. Đông nhảy xuống xông vào, Hương lao theo để yểm trợ, vừa đặt chân qua cửa Hương kéo nhiều loạt AK khống chế giặc; Đông chĩa súng bắt một tù binh dẫn đường lên nóc nhà; Uẩn kéo cán cờ nhanh chóng lao theo; Hương vừa chiến đấu vừa tiến sát Đông để yểm trợ. Đông lên trước, Hương và Uẩn đưa cán cờ lên sau. Đông lên đến nóc nhà, thấy đồng đội chưa lên kịp, ngó xuống tầng 2 thấy Hương, Lưu, Uẩn đang loay hoay vì cầu thang gấp khúc, cán cờ lại quá dài. Đông thét “Hương - cầm ngọn cây kéo ngược lên”. Hương thực hiện ngay, rất nhanh, họ đã đưa được cán cờ lên, tìm được vị trí cắm, Đông mở ba lô lấy cờ, Hương tra cờ vào cán, Đông trèo lên cột thép cắm cờ, Hương đứng dưới chân cột cờ làm nhiệm vụ bảo vệ và tiếp ứng cho Đông khi cần, Uẩn giữ lối cầu thang, bảo vệ cho tổ. Cờ đã cắm xong. Dưới chân cột cờ, Hương nổ cả tràng AK báo tin chiến thắng. Đó cũng là thời điểm lịch sử 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Hình ảnh những chiến sĩ quân giải phóng cắm cờ trên nóc nhà BTTM đã được nhà báo chiến trường - Dương Văn Xuyền ghi lại.
Ảnh tư liệu |
36 năm sau
Sau giải phóng miền Nam, Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B, đơn vị đã tiêu diệt cụm cứ điểm Tân Uyên, chiến đấu, phá hủy và bắt sống hơn 100 xe tăng, xe bọc thép địch trên cầu Bình Triệu - Đặc biệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm, cắm cờ trên nóc nhà BTTM ngụy lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân. Những người chiến sĩ giải phóng trực tiếp cắm cờ tại nóc nhà BTTM ngụy Sài Gòn cũng đã được ghi tên trong sổ vàng của đơn vị.
Chiến tranh qua đi, những người lính năm xưa trở về với cuộc sống đời thường. Anh Đông. Anh Lưu đang sống cùng gia đình ở Thái Bình; Anh Hương ở Phú Quốc; còn đại tá Trịnh Bá Uẩn vẫn đang công tác tại Học viện Lục quân. Mỗi dịp tháng tư về, họ lại nhớ về những ngày chiến đấu gian khổ mà oanh liệt. Năm ngoái, trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng, họ đã gặp lại nhau ở đơn vị cũ, và nhận được giấy chứng nhận đã cắm cờ tại nóc nhà BTTM ngụy do Trung đoàn 48 cấp ngày 27/4/2010; giấy xác nhận thành tích chiến đấu (cắm cờ) do ông Bùi Văn Lung nguyên là Chính trị viên và ông Thiều Quang Nông, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là người trực tiếp chỉ huy trận đánh ký ngày 30/5/2010; Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 48 cũng đã có đề nghị xét khen thưởng thành tích chiến đấu cho tổ cắm cờ trên nóc nhà BTTM ngụy, do ông Vũ Trung Thướng, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 48 - người trực tiếp chỉ huy mũi tiến quân lúc đó ký ngày 23/7/2010.
Thành tích chiến đấu của những chiến binh trong trận đánh quyết thắng năm xưa xứng đáng được Nhà nước biểu dương.