Hào khí Trường Sơn

02:04, 28/04/2011

Những mái đầu bạc, những khuôn mặt đầy nếp nhăn dường như trẻ lại khi họ được sống với thời tuổi trẻ hào hùng trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Họ là những chiến sỹ bộ đội và thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến đấu trên cung đường đầy máu lửa Trường Sơn. Họ mừng vui khôn xiết và bồi hồi xúc động khi được gặp lại nhau tại Đại hội thành lập Hội Chiến sỹ Trường Sơn vừa được tổ chức tại thành phố Bảo Lộc.

Những mái đầu bạc, những khuôn mặt đầy nếp nhăn dường như trẻ lại khi họ được sống với thời tuổi trẻ hào hùng trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Họ là những chiến sỹ bộ đội và thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến đấu trên cung đường đầy máu lửa Trường Sơn. Họ mừng vui khôn xiết và bồi hồi xúc động khi được gặp lại nhau tại Đại hội thành lập Hội Chiến sỹ Trường Sơn vừa được tổ chức tại thành phố Bảo Lộc.
 
Nô nức lên đường nhập ngũ tiếp bước cha anh.
Nô nức lên đường nhập ngũ tiếp bước cha anh.

Bác Mai Ngọc Phổ (73 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) còn nhớ như in những ngày chiến đấu trên dãy Trường Sơn, dù 46 năm đã trôi qua. Năm 1965, bác Phổ chuyển từ Bộ Tư lệnh Công binh vào Binh trạm 1 của Đoàn 559 – vốn là một binh chủng chiến đấu trên đường Trường Sơn gồm công binh, pháo binh, bộ binh, giao liên, xe cơ giới, kho tàng.  Đoàn 559 có tất cả 42 binh trạm như thế trải dài từ điểm đầu đến điểm cuối đường Trường Sơn. Mỗi binh trạm có nhiệm vụ xây dựng và cất giấu kho tàng, xuất hàng và vận chuyển. Kho tàng chính là nơi cất giữ lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược, xăng dầu và các phương tiện đảm bảo giao liên. Để phục vụ cho kháng chiến nên kho tàng luôn di động và bác Phổ đã cùng đồng đội phải bảo vệ kho tàng khỏi sự công phá ngày đêm của địch trên từng kilomet đường Trường Sơn.

Bác Phổ nhớ lại: “Đường 559 dài lắm, xuất phát từ Cổng Trời của binh trạm 1 chạy theo 2 tuyến lớn đến Campuchia và vào chiến trường miền Nam. Đây là 2 tuyến lửa, mỗi tuyến dài khoảng trên ngàn cây số, còn gọi là tuyến Đông Trường sơn và Tây Trường Sơn. Mức độ ác liệt trong giai đoạn chiến tranh Nam Lào 1967 – 1968 thì rất nguy hiểm. Địch chủ yếu ngăn chặn tuyến vận tải Trường Sơn bằng đủ mọi hình thức như thả bom B52, rải chất độc hóa học, dùng máy bay trinh sát. Xe của ta hàng đêm vận chuyển theo từng cung đoạn của từng binh trạm, mỗi cung đoạn trong khoảng 100 cây số đổ lại, sau mỗi cung đường lại có một binh trạm khác tiếp tục vận chuyển. Mỗi binh trạm đều có một hình thức tổ chức giống nhau: công binh mở đường, pháo binh ngăn chặn không quân, bộ binh ngăn chặn các toán biệt kích, giao liên tiếp nhận đồ của phía Bắc đưa vào, kho hàng tiếp nhận và cất giấu, từ đó lại xuất đi cho các đơn vị xe vận chuyển”.

Cứ thế, công tác kho vận trên đường Trường Sơn ngày đêm phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Theo lời bác Phổ thì dù các đại đội của từng binh trạm đã nổ lực vận chuyển khéo léo và rất dũng cảm qua từng cung đường, nhưng có những đoàn xe vận chuyển khi về đến đích chỉ còn 50% số xe và số hàng hóa.

Ở một tuyến lửa khác, chiến dịch  Đức Cơ (Gia Lai) của đơn vị C89, E52 (Trung đoàn 52, Sư đoàn 470) trên đoạn cuối của tuyến 559 đường Trường Sơn, bác Nguyễn Thành Được – nguyên Đại đội trưởng của đơn vị C89 kể lại:  “Hồi đó, chiến đấu rất ác liệt vì đơn vị chúng tôi đóng chốt để vây căn cứ Đức Cơ trong 3 tháng liền liên tục. Trong thời gian đó, địch phát hiện nên đã dùng pháo binh và lực lượng ra vây bắt.  Khi nằm trong ổ phục kích, Ban chỉ huy đại đội của chúng tôi chỉ còn 3 người là tôi và 2 đồng chí liên lạc cùng 2 máy bộ đàm. Tôi đã gọi về Sở chỉ huy báo cáo tình hình và xin quyết tử. Chúng tôi đề nghị “trên” cứ bắn pháo trực tiếp vào đơn vị để mở vòng vây. Tôi bị bắn trúng vào mắt và không thấy đường, 2 đồng chí bên cạnh tôi  đã phải hy sinh. Còn tiểu đội trinh sát do  tôi trực tiếp chỉ huy nằm bên cạnh cũng hy sinh gần hết. Lúc tôi bị thương, địch ồ ạt tấn công, tôi cố bò luồn vào phía trong lượm lựu đạn và súng của đồng chí mình để lại. Khi địch tràn lên thì tôi tung lựu đạn diệt được gần chục tên. Sau đó, pháo binh mình yểm trợ nên địch mới giãn ra”.

Trong 3 năm chiến đấu trên đường Trường Sơn từ 1969 đến 1971, bác Được đã tham gia nhiều trận chiến, nhưng đó là lần chiến đấu ác liệt nhất và cũng là lần chiến đấu sau cùng ghi dấu kỷ niệm của ông trên đường Trường Sơn. Trở về đời thường, ông vẫn tự hào vì mình đã không phụ lòng đồng đội. Ông được tặng thưởng 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang, 3 huân chương chiến sỹ giải phóng, Huân chương kháng chiến hạng 2. Tất cả ông đều dành lại trong những phút mặc niệm cho những đồng đội đã khuất, những người đã anh dũng để bảo vệ đường Trường Sơn.

Trong cuộc chiến ác liệt ở đường Trường Sơn, không thể thiếu hình ảnh những nữ thanh niên xung phong mở đường. Nơi nào bị bom địch bắn phá gây tắt đường thì nơi đó có lực lượng thanh niên xung phong ngay lập tức có mặt để thông đường, trả lại tuyến vận chuyển huyết mạch cho các tuyến hành quân của ta và các tuyến kho vận. Với cô Vũ Thị Thanh Thủy - nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn khi mới 17 tuổi, việc mở đường cũng ác liệt và hiểm nguy không kém khi nhiều nữ Thanh niên xung phong đã tử trận vì vướng phải bom mìn của địch. Tất cả những kỷ niệm ấy, dù đau thương và tang tóc nhưng vẫn bất khuất và kiên cường. Tất cả những con người đã chiến đấu trên đường Trường Sơn, dù còn sống hay đã nằm lại, đều là những anh hùng đã làm nên lịch sử cung đường Trường Sơn. Tuyến đường mòn một thời lừng lẫy những chiến công vang dội, nay dù chỉ còn trong những hồi ức nhưng vẫn oai hùng cho những thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

ĐÔNG ANH