Tấm huân chương đầu tiên trước khi mở màn chiến dịch là tấm Huân chương chiến công hạng Ba nhà nước ta tặng cho chị Nguyễn Thị Xuân 18 tuổi, quê huyện Hạ Hoà (Phú Thọ).
- Tấm huân chương đầu tiên trước khi mở màn chiến dịch
Đó là tấm Huân chương chiến công hạng Ba nhà nước ta tặng cho chị Nguyễn Thị Xuân 18 tuổi, quê huyện Hạ Hoà (Phú Thọ). Khi ấy chị Xuân 18 tuổi, lần đầu đi dân công phục vụ bộ đội đánh giặc, được xếp vào tốp chủ lực. Chị luôn hăng hái xung phong trước mọi thử thách, gian nguy, khó nhọc; là biểu tượng sinh động của tinh thần phục vụ, nguồn cổ vũ động viên dân công các tỉnh.
Một đêm tháng 2/1954, đoàn dân công Hạ Hoà vượt đèo Lũng Lô. Đường bị bom địch cắt từng đoạn, taluy sụt lở, đất đá ngổn ngang. Công binh hối hả mở lối cho xe và dân công qua. Đến giữa đèo, một quả bom nổ ở tầng trên, đất đá ập xuống, chị Xuân bị vùi kín. Như có sức mạnh thần kỳ, chị đội đất toài lên. Mọi người xúm lại kéo đỡ, còn đang xem chị có bị thương ở đâu không thì chị bỗng kêu to: “Gánh của tôi đâu rồi, tìm gánh cho tôi”. Hai tay chị bới tung đất, thấy đôi bồ gạo vẫn được buộc chặt ở hai đầu đòn gánh, chị lại kêu: “Xem có còn thiếu ai, có ai bị thương?”. Rồi chị xốc gánh lên vai, hồ hởi: “Không hề gì, khó khăn khắc phục” và đuổi kịp đội hình lên tuyến trước.
Chị Xuân được nhận Huân chương ngay trên đường đi phục vụ, trước khi mở màn chiến dịch Trần Đình.
- °“Ra mặt đường chỉ huy!”
Vận chuyển trong chiến dịch vô cùng khẩn trương. Hàng trăm xe luôn hoạt động trên mặt đường. Có biết bao nhiêu tình huống, bao nhiêu sự cố, trục trặc nảy sinh cần được xử lý kịp thời. Cục Vận tải quyết định “Ra mặt đường chỉ huy”. Tất cả các cơ quan của đại đội xe, của binh trạm và cả của Cục Vận tải tiền phương cùng bám mặt đường, ở trạm barie. Nhờ đó, khi gặp khó khăn là các cấp giải quyết ngay. Cán bộ và chiến sĩ lái xe gần gũi, đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tạo niềm hưng phấn trước nhiệm vụ.
- Đóng khố cũng chấp nhận
Với quyết tâm cùng bộ đội đánh thắng chiến dịch Điện Biên, có đồng chí lãnh đạo ở mặt trận nói rất thiết tha, rất xúc động rằng: “Để thắng giặc, xoá bỏ ách nô lệ, thì có phải đóng khố chúng ta cũng chấp nhận”.
- Tết Con Ngựa-Tết đặc biệt
Năm Quý Tỵ sắp qua, năm Giáp Ngọ sắp tới. Dù ở ngay mặt trận cũng phải lo cho anh chị em cái gì đó gọi là Tết, là đón xuân. Tết là phải có bánh chưng. Gạo nếp ở đó tương đối sẵn. “Ốm ăn cơm tẻ, khoẻ ăn cơm nếp” (Cơm tẻ dành bồi dưỡng cho người ốm). Đậu xanh, lá dong cũng sẵn. Chỉ thiếu thịt làm nhân bánh. Ngay lập tức, Tư lệnh Cung cấp mặt trận quyết định cấp cho các đoàn dân công những con lừa, con ngựa chiến lợi phẩm thu từ Lai Châu về. Tết cổ truyền năm con ngựa có “cỗ” thịt ngựa, có bánh chưng nhân thịt ngựa. Một ấn tượng hiếm có của đời người.
Cuộc sống vật chất có khắc khổ, nhưng đời sống tinh thần vẫn rộn rã, tươi vui. Đội chiếu bóng lưu động đi khắp các tụ điểm phục vụ bộ đội, dân công. Anh em can vải, khâu bạt che phía sau, tránh ánh sáng điện loé lên trời. Khi có tiếng máy bay thì gõ kẻng, tắt đèn, tất cả im lìm trong bóng tối và sẵn sàng phân tán theo các hướng đã quy định sẵn.
Đoàn văn nghệ sĩ ca hát đến cơ quan cung cấp tiền phương có chị Bạch Trà. Nhiều đồng chí lớn tuổi yêu cầu chị Trà hát ca trù nhân dịp năm mới. Giữa gian khổ muôn trùng, giữa lúc khó khăn chồng chất ở mặt trận, tiếng ca trù vút lên như xua đi nỗi mệt nhọc, lo âu.
Tại cơ quan cung cấp tiền phương, hoạ sĩ Văn Giáo vẽ một cành đào gốc to, xù xì tượng trưng cho Tây Bắc cực khổ nhưng kiên cường, vẫn đứng vững; cả nụ, cả hoa, cả búp lá xanh nói tới mùa xuân mới, chiến thắng mới, kèm theo dòng chữ “Chúc mừng Xuân Giáp Ngọ”. Có một bức được đem tặng Bộ Chỉ huy chiến dịch.
(Theo đồng chí Nguyễn Văn Huyên, nguyên cán bộ chính trị cơ quan Tổng cục Cung cấp tiền phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ)