Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh (tiếp theo)

03:05, 29/05/2011

Từ khi rời Tổ quốc đi tìm con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh sớm nhận thức muốn hoạt động cách mạng cần phải tham gia các tổ chức và hoà mình vào phong trào đấu tranh cách mạng.

IV. Những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vô sản thế giới.

1. Hồ Chí Minh - nhà chính trị, nhà tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế: Từ khi rời Tổ quốc đi tìm con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh sớm nhận thức muốn hoạt động cách mạng cần phải tham gia các tổ chức và hoà mình vào phong trào đấu tranh cách mạng. Người đã hoạt động trong phong trào của người Việt Nam yêu nước và phong trào công nhân Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp; sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phôbua; tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa; chủ nhiệm kiêm chủ báo Người cùng khổ; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; tham gia Quốc tế Cộng sản, hoạt động trong Quốc tế Nông dân; tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức… Những hoạt động đầy nhiệt huyết của Người - với tư cách nhà chính trị, nhà tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản quốc tế đã in dấu đậm nét trong lịch sử cách mạng vô sản thế giới. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhiều lần phải sống trong thiếu thốn, khổ cực, nguy hiểm, tù đày, thậm chí bị hiểu lầm, nhưng trong hoàn cảnh nào, Người cũng có một niềm tin sắt son vào chủ nghĩa Mác - Lênin, nêu cao ý chí, bản lĩnh và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản.
 
Cuốn sách “Đường Kachs mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: TL
Cuốn sách “Đường Kachs mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: TL

2. Hồ Chí Minh có công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều bài báo của Người đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm l925, một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản, Người tích cực đưa lý luận Mác - Lênin vào phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa; kiên trì bảo vệ, phát triển sáng tạo những quan điểm của V.I Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Với trách nhiệm là Ủỷ viên Ban phương Đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người hướng dẫn và xây dựng phong trào cách mạng, phong trào cộng sản ở các nước châu Á và xúc tiến thành lập đảng cộng sản ở Việt Nam.

3. Sức lan toả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc rất mạnh mẽ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào cách mạng ở hàng trăm nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Hàng loạt các phong trào giải phóng dân tộc liên tiếp nổ ra ở các nước Á, Phi và Mỹ Latinh rộng lớn trong suốt các thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ XX. Hệ thống thuộc địa thế giới đã từng được chủ nghĩa thực dân đế quốc xây dựng ròng rã trong 500 năm đã nhanh chóng sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm sau mốc son Việt Nam mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đóng góp quan trọng với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau: Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở các nước chính quốc, nhân dân các dân tộc ở các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước. Đây là những cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Xuất phát từ tình hình ở các nước tư bản, Lênin đã nêu luận điểm Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Xuất phát từ tình hình Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thấy việc ra đời của Đảng Cộng sản ở đây nếu chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân thì chưa đủ, vì giai cấp công nhân còn nhỏ bé và phong trào còn non yếu, do đó phải kết hợp cả với phong trào yêu nước rộng lớn của các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Hồ Chí Minh còn đi đến kết luận: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đây là những luận điểm mới của Hồ Chí Minh, bổ sung vào học thuyết về Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Các Mác, Ăngghen xác định, quần chúng làm cách mạng là giai cấp công nhân, nông dân. Lênin, trong cách mạng vô sản Nga, xác định quần chúng cách mạng là công nhân, nông dân và binh lính. Đối với Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng là “cả quần chúng”, bao gồm: giai cấp công nhân - giai cấp lãnh đạo cách mạng, giai cấp nông dân - cùng với công nông là gốc của cách mạng, tiểu tư sản, trí thức, phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc, các cá nhân yêu nước, “Bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”. Quan điểm này của Người không chỉ đúng trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay.

Hồ Chí Minh có những sáng tạo độc đáo trong các bước đi giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc; luận giải khoa học, sâu sắc về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, ưu tiên giải quyết vấn đề dân tộc trước, giải quyết vấn đề dân chủ từng bước. Bảo vệ nền độc lập dân tộc đã giành được bằng biện pháp hòa bình, nhưng khi kẻ thù đã dùng chiến tranh xâm lược để áp đặt sự nô dịch mới, thì cần dựa vào và phát huy sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc chân chính, cần xây dựng một xã hội mới là xã hội xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

Trong di sản tư tưởng của Người, có cả một hệ thống những chỉ dẫn khoa học về cách thức, biện pháp, bước đi trong thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc không chỉ tính khoa học, cách mạng mà còn có nhiều luận điểm bổ sung từ góc độ đạo đức, văn hoá, nhân văn.
 
(Còn nữa)

TS (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)