Phát huy sức mạnh dân tộc làm nên “thiên sử vàng”

03:05, 04/05/2011

Mỗi sự kiện lịch sử đều xuất phát từ nguồn gốc sâu xa của nó. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có cội nguồn từ truyền thống anh hùng, đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam; từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi sự kiện lịch sử đều xuất phát từ nguồn gốc sâu xa của nó. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có cội nguồn từ truyền thống anh hùng, đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam; từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tại một cuộc họp cuối năm 1953 ở Việt Bắc, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tại một cuộc họp cuối năm 1953 ở Việt Bắc, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Đến đầu năm 1953, quân ta hoàn toàn giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh, càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng được củng cố vững mạnh.

Thất bại và bị động, quân viễn chinh Pháp buộc phải phân tán lực lượng và co cụm ở nhiều nơi. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc; bộ đội chủ lực của ta uy hiếp Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, cứ điểm có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương. Thực dân Pháp liên tiếp tăng cường lực lượng, cấp tập xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thách thức quân đội ta tiến công để nghiền nát quân chủ lực Việt Nam như các tướng lĩnh Pháp từng huênh hoang tuyên bố là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược của Nava. Quyết định này được sự tiếp sức lớn của Chính phủ và quân đội Mỹ lúc bấy giờ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng”. Để thực hiện quyết tâm chiến lược này, chúng ta nhận được sự giúp đỡ quý báu từ Liên Xô và Trung Quốc, các bạn đã chi viện cho chúng ta một phần phương tiện, vật chất kỹ thuật chiến tranh cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm của các đoàn cố vấn quân sự.

Thực hiện trận đối đầu lịch sử này, trong suốt mấy tháng trời chuẩn bị chiến dịch và 55 ngày đêm tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng chỉ huy và Đảng uỷ Mặt trận đã tổ chức động viên, chỉ huy quân và dân ta ở tuyền tuyến cũng như ở các vùng hậu phương vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập nên biết bao kỳ tích: Ngày đêm xẻ rừng bạt núi, mở hàng ngàn kilômét giao thông cho bộ đội chuyển quân, kéo pháo vào trận địa chiến đấu; năm vạn rưỡi bộ đội thuộc năm đại đoàn quân chủ lực và nhiều binh đoàn, binh đội hợp thành đã cấp tập hành quân, tập kết lực lượng, siết chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,  bảo đảm bí mật, an toàn lực lượng trong suốt cả chiến dịch dài ngày để huy động nguồn nhân vật lực to lớn cho chiến dịch; sự chỉ huy linh hoạt, tài tình của vị Tổng tư lệnh tài ba Võ Nguyên Giáp và Bộ tổng tham mưu, Đảng uỷ quân sự mặt trận trong quyết định sáng suốt và quả cảm thay đội phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” vào sát ngày mở màn chiến dịch theo kế hoạch đã được chuẩn bị trước. Trong chiếu đấu, lực lượng Pháo binh Việt Nam lần đầu tiên đánh trận công kiên lớn, phát huy tinh thần mưu trí, dũng cảm đã dội bão lửa, tiêu diệt được nhiều máy bay, pháo binh và đội hình địch, mở đường và tạo thuận lợi cho các lực lượng xung kích tiêu diệt địch. Chiến công của các chiến sỹ bảo đảm thông tin liên lạc; y tế mặt trận và cả những hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ chiến dịch đều mang tầm vóc của Điện Biên Phủ vĩ đại.

Sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta không chỉ được phát huy trong chiến đấu mà còn đảm bảo hậu cần phục vụ chiến dịch. Bằng sức người và phương tiện thô sơ, hơn 26 vạn dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong đã hình thành những dòng chảy sức người, sức của tiếp tế cho mặt trận khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược. Đó là những điển hình tiêu biểu cho tinh thần “Tất cả vì tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân ta trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như những ngày tháng nóng bỏng của chiến dịch Điện Biên phủ. Bằng nỗ lực phi thường đó, chiều ngày 7-5-1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị đập tan. Chúng ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch do tướng Đờ Cáttơri chỉ huy. Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của thế lực thực dân hiếu chiến, tạo cơ sở căn bản cho thắng lợi trong đấu tranh ngoại giao có lợi cho ta. Chính phủ Pháp đã buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ rút quân về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, với chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, thôi thúc, góp phần quan trọng vào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
 

Việt Dũng
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng