Thêm yêu Bác khi đọc bài thơ: Người đi tìm hình của nước

03:05, 18/05/2011

Bác đã đi xa chúng ta gần nửa thế kỷ nhưng mỗi lần gặp lại Bác qua từng bài thơ, câu hát, mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi. Đặc biệt, với bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã thêm một lần tạc bóng Người vào lòng dân tộc:

Bác đã đi xa chúng ta gần nửa thế kỷ nhưng mỗi lần gặp lại Bác qua từng bài thơ, câu hát, mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi. Đặc biệt, với bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã thêm một lần tạc bóng Người vào lòng dân tộc:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi.

Một dòng thơ được ngăn cách bởi dấu chấm đầy xúc cảm. Hai câu thơ mang hai nội dung khác nhau nhưng chúng lại có sự gắn kết chặt chẽ, đây cũng chính là nội dung khái quát cho toàn bài thơ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Tua thành lập Đảng cộng sản Pháp (1920). Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Tua thành lập Đảng cộng sản Pháp (1920).
Ảnh Tư liệu

Nhà thơ Chế Lan Viên như một người quay phim tận tụy với từng thước phim về cuộc đời Bác trong hành trình tìm đường cứu nước. Bác rời xứ sở 30 năm cũng là từng ấy thời gian được tác giả ghi dấu lại trong thơ mình. Sâu thẳm trong trái tim ta nhận thấy lòng yêu nước khôn nguôi và sự hy sinh cao cả của Người. Bác cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương mình, nhưng Bác cũng hiểu rằng vẻ đẹp ấy sẽ trở thành vô nghĩa nếu đất nước này không có độc lập, tự do, không có tên trên bản đồ thế giới. Chế Lan Viên đã tiếp cận hình tượng Bác Hồ theo một lối đi riêng không thể lẫn với bất kì tác giả nào khác, đó là hình ảnh Bác trên hành trình đi tìm và điền tên đất nước lên bản đồ thế giới.

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.

Giấu trong lòng nỗi đau xót, sự quyến luyến trong giây phút chia xa, Bác quyết ra đi cho một ngày trở lại. Với niềm xúc động chân thành, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận sâu sắc cuộc hành trình đầy gian nan trên đại dương bao la của Người. Ánh mắt nhìn của người xa xứ cứ mãi dõi theo nhưng bãi bờ, làng xóm đến khi chẳng còn thấy gì giữa muôn trùng con sóng. Nhà thơ khéo léo thể hiện nỗi niềm của mình khi muốn được “làm con sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác”. Cuống quýt, vội vàng, dường như Chế Lan Viên muốn theo kịp chân Bác để cùng sẻ chia nỗi vất vả, gian truân. Hình ảnh rất đắt này không chỉ làm sống lại trong lòng người đọc phút giây lịch sử năm nào mà còn thể hiện lòng kính yêu, lưu luyến của nhà thơ đối với Bác. Chỉ với mong ước nhỏ nhoi ấy thôi Bác sẽ không thấy lạnh lẽo, cô đơn khi lênh đênh giữa biển khơi:

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!

Nỗi nhớ thương len vào từng hơi thở của Người khiến đêm như dài thêm ra trên hành trình cứu nước. Những vần thơ như khơi sâu thêm tình cảm yêu thương và nỗi đau của một người con hết lòng vì Tổ quốc. Bác để lại tình riêng để ra đi vì tình yêu tổ quốc, hình bóng quê hương chẳng lúc nào phai mờ trong tâm trí Người nên cảm giác cô đơn, lạc lõng càng tăng lên khi: Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương. Có lẽ thấu hiểu được cảm giác này nên nhà thơ đã ước được làm con sóng quê hương bầu bạn cùng Người trong lúc đi xa. Trái tim của con người có lý lẽ riêng, Bác cũng vậy, sóng nước ở đâu cũng là sóng nước nhưng kỳ lạ thay đã không phải đất trời quê mình thì tất cả đều trở nên xa lạ. Tiếng sóng xa lạ vỗ nơi mạn tàu ấy càng làm lòng người trống trải hơn, càng làm nỗi đau thương trong Bác nhân lên bội phần.

Càng xa quê hương Người càng thấm thía nỗi khổ đau mà đồng bào đang phải gánh chịu. Câu thơ không cầu kỳ về cách đặt câu, giũa chữ mà thấm đẫm một tình cảm mến yêu dành cho Bác càng làm ta thêm xúc động. Ta nghe trong lời tâm sự của Bác một nỗi lòng đồng cảm bởi tình yêu nồng nàn, sâu sắc Bác truyền cho mỗi chúng ta khi nghĩ về đất nước.

Lần lượt những hình ảnh quê hương trong tháng ngày nô lệ được gợi lên qua từng câu thơ tiếp theo của Chế Lan Viên. Nhà thơ tâm sự với người đọc bao thế hệ về nỗi bất lực, sự trăn trở, đớn đau khi phải sống cảnh nô lệ. Tác giả lại càng tin yêu và thán phục hơn sự hi sinh vĩ đại của Bác:

Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

Người đi tìm lại cả quá khứ hào hùng oanh liệt từ ngàn xưa, Người đi tìm lại vẻ đẹp còn trường tồn đến ngàn vạn năm sau, Người tìm lại quá khứ và tương lai cho hiện tại mặc kệ những gian khổ đời thường. Mặc kệ những gió rét thành Balê, mặc kệ những mùa băng giá, mặc kệ những sương mù, đêm trắng, Bác vẫn vững lòng tin ở mai sau. Nhà thơ nâng niu từng dấu chân Người ở những phương trời lạ. Ông thấu hiểu đến từng bữa ăn, giấc ngủ của Bác:

Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Sống giữa châu Âu tuyết trắng, châu Mỹ xa xôi hay châu Phi xa lạ, tâm hồn Bác cũng không phút giây nào nguôi nỗi nhớ thương quê. Những câu thơ giàu hình ảnh của nhà thơ Chế Lan Viên thực sự tinh tế khi thể hiện tình cảm yêu nước sâu nặng và nỗi day dứt về vận mệnh đất nước của Bác Hồ. Làng quê yêu thương lại xanh tươi trong từng giấc mơ của Người như báo hiệu một tương lai yên bình, hạnh phúc. Hình ảnh đối lập trong những câu thơ trên làm người đọc thực sự xúc động. Những hình ảnh rất đời thường nhưng chứa đựng cả sự trăn trở, băn khoăn của vị lãnh tụ kính yêu khi nghĩ suy về vận mệnh đất nước. Ta nghe như trái tim của Bác đang run lên, ta nghe như tiếng lòng sâu thẳm của Bác đang nức nở khi hướng về Tổ quốc.

Trải qua muôn ngàn gian khó với biết bao thử thách, gian lao, cuối cùng Người đã tìm được chân lý cách mạng và cũng là con đường sáng cho dân tộc:

Luận cương đến Bác Hồ. Và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Cả đất trời như cùng hồi hộp, nín thở trong giây phút ấy. Chính từ giây phút này ánh sáng của tự do, độc lập mà bấy lâu nay Bác và cả dân tộc trông mong đã dần ló dạng. Thời khắc lịch sử được nhà thơ miêu tả với niềm xúc động lan tỏa trên từng câu chữ. Lặng lẽ giở từng trang sách, lịch sử như dừng chân ghé lại nơi này để lắng nghe nhịp đập hạnh phúc trong trái tim Người. Giọt nước mắt sung sướng của những người vô sản gặp nhau, chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã soi sáng tâm hồn Bác, Người đón nhận chân lý cách mạng ấy bằng tất cả con tim và khối óc của mình. Những vật vô tri bên Bác cũng cảm thông với giây phút thiêng liêng này, tất cả như cùng sẻ chia, cùng hòa chung niềm xúc động để rồi niềm hạnh phúc, sung sướng chợt vỡ òa:

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Kể từ lúc ra đi, có lẽ đây là lúc Bác Hồ thấy niềm vui trong mình trào dâng mãnh liệt nhất. Niềm vui ấy không dành cho riêng ai mà đó là niềm vui chung của toàn dân tộc, kể từ đây sẽ “không còn người bỏ xác trên đường ray”, sẽ không còn “bát cơm chan đầy nước mắt” (*). Nhịp thơ nhanh, lời thơ hào sảng càng diễn tả thành công hơn niềm vui náo nức, niềm hạnh phúc vô bờ của Bác trong giờ phút lịch sử trọng đại. Bác đã tìm ra con đường cứu nước, hình của Đảng lồng trong hình đất nước đã khẳng định Đảng chính là linh hồn của dân tộc. Nhà thơ đã cùng Bác bày tỏ niềm tin mãnh liệt đối với Đảng quang vinh. Những giọt nước mắt và nụ cười, hai hình ảnh đối lập được đưa vào cùng một câu thơ miêu tả Bác càng làm mỗi chúng ta thêm xúc động và kính yêu Người.

Ra đi để tìm hình của nước, cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên thật độc đáo. Không chỉ trong bài thơ này mà trong rất nhiều bài khác viết về Bác, ông đều có những phát hiện rất tài tình về sự giản dị mà vĩ đại của Bác. Mang trên vai sứ mệnh cao cả, nay Bác trở về với chân lý sáng ngời đưa cả dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ:

Luận cương của Lê-nin theo người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

Những câu thơ cuối cùng không khép lại mà mở ra một chân trời mới. Tình yêu, sự hi sinh vĩ đại của Bác và cả phong cách giản dị, gần gũi của Người sẽ còn đẹp mãi trong từng trang sách, bài thơ. Bác đã đánh đổi cả cuộc đời để tìm lại dáng hình dân tộc, ngày trở về cũng là ngày đất nước được phôi thai. Hiện tại tươi đẹp hôm nay được cắt nghĩa từ những tháng ngày Bác và toàn dân ta sống trong cơ cực. Những vần thơ khơi dậy niềm xúc động trước lòng yêu nước và sự hi sinh cao cả cho lý tưởng độc lập tự do của Bác cứ nhẹ nhàng lan tỏa, thấm thía trong lòng người đọc. Để hôm nay, 121 năm – một cuộc đời vĩ đại, Người mãi sống trong lòng dân tộc đến muôn đời sau.

XUÂN QUỲNH
(*) Nguyễn Đình Thi - “Đất nước”