Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho nhân dân có một tình yêu lớn dành cho Thiếu nhi

03:05, 31/05/2011

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì hạnh phúc của nhân dân, sống cùng nhân dân, yêu quý nhân dân, đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Người với nhân dân là một. Nhưng trong nhân dân, thiếu niên và nhi đồng luôn luôn được Bác Hồ dành cho một tình thương yêu đặc biệt .

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì hạnh phúc của nhân dân, sống cùng nhân dân, yêu quý nhân dân, đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Người với nhân dân là một. Nhưng trong nhân dân, thiếu niên và nhi đồng luôn luôn được Bác Hồ dành cho một tình thương yêu đặc biệt.
 
Tuổi thơ vùng sâu, vùng đồng bào DTTS Đạ Tông (Đam Rông) chung vui ngày hội. Ảnh: N.M
Tuổi thơ vùng sâu, vùng đồng bào DTTS Đạ Tông (Đam Rông) chung vui ngày hội. Ảnh: N.M

Khi còn là một thanh niên hoạt động cách mạng ở Pháp, chú Nguyễn là người chú yêu quý của các cháu bé, con của các chiến sĩ cách mạng cùng hoạt động với Bác trong Hội Liên hiệp thuộc địa.
      
Năm 1923, khi sắp phải tạm biệt nước Pháp để lên đường qua Đức sang Nga hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bí mật để lại một bức thư cho các bạn cùng hoạt động. Phần cuối của bức thư này, Người không quên tạm biệt các cháu bé của mình:

       "…Bây giờ, là một vài lời với cháu trai và cháu gái !
      
Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu ?Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.
      
 Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu, chú sẽ không thấy cô Alitxơ và cậu Pôn của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu . Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alitxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.
   
Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Mariúyt của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.

Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.”
 
Chú Nguyễn

Khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà báo nước ngoài đã giới thiệu lại toàn bộ bức thư này, và nói đó là lòng nhân ái Hồ Chí Minh. Người không chỉ yêu thương thiếu nhi Việt Nam mà tình thương yêu rộng lớn ấy của Người còn được dành cho thiếu nhi toàn thế giới.
   
Năm 1941, khi trở về Pác-Bó, Cao Bằng, trong một loạt bài thơ vận động cách mạng, Bác Hồ đã viết cho các em thiếu nhi hai bài: "Kêu gọi thiếu nhi - 1941", và "Trẻ chăn trâu - 1942". Cả hai bài thơ này đều in trên báo Việt Nam Độc lập: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…".

Không những yêu thương, trìu mến,mà ngay từ những ngày đầu cách mạng ấy, Bác đã khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam: "Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay".

Và Bác Hồ đã nói với các em: "Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng ".

Sau này, khi nghe các cháu hát bài:"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam…" Bác Hồ rất cảm động. Tết Trung Thu 1952, từ chiến khu Việt Bắc Bác Hồ đã viết cho các cháu một bức thư trung thu bằng thơ:"Ai yêu các nhi đồng / Bằng Bác Hồ Chi Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh…
          
Và Bác dặn dò: “Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh".

Trong ký ức của mỗi người chúng ta, đã có biết bao những câu chuyện về Bác với thiếu nhi. Chúng ta nhớ có lần Người đã nói: "Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi.."Những lần Bác Hồ đến thăm các cháu, ta thấy Bác như trẻ lại, Bác tươii cười hỏi han, chia kẹo cho các cháu, và thật tự nhiên, các cháu cũng chạy ùa đến với Bác như đến với một người ông gần gũi.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là như thế đấy! Trong muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho trẻ em.Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Người thường có một cái phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sĩ Miền Nam. Mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bác nói các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sĩ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được.

Yêu quý thiếu nhi , và Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào ,yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên,tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả’’. Ba tháng trước ngày đi xa, ngày 1 tháng 6 năm 1969, Bác lại viết bài: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" in trên báo Nhân dân. Bác viết: "Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực".

Bác nhắc nhở các gia đình, các đoàn thể phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc và giáo dục các cháu, làm cho các cháu ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phải phụ trách và đôn đốc việc này cho có kết quả.

Tiến sĩ sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép đã viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi.Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam, mà Người đã gọi trìu mến là các cháu". Trong Bản Di Chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, và Người đã dành muôn vàn tình thân yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Mối quan tâm ấy của Người, càng nhắc nhở chúng ta nhớ đến trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Bùi Công Bính