Văn nghệ sĩ Việt Nam trong cuộc hành trình “chín năm làm một Điện Biên”

02:05, 11/05/2011

Cách đây 57 năm, với “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”... dân tộc ta làm nên một chiến tích thần kỳ - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Cách đây 57 năm, với “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”... dân tộc ta làm nên một chiến tích thần kỳ - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một chiến công oai hùng của dân tộc ta. Nó đánh dấu cho sự  cáo chung của bọn thực dân Pháp xâm lược với gần 100 năm giày xéo trên đất nước ta. Nó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình trên phạm vi thế giới. Trong đội ngũ “trùng trùng, điệp điệp” để góp phần làm nên Điện Biên “chấn động địa cầu” đó có công lao không nhỏ của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam.

Giải phóng Điện Biên. Ảnh internet
Giải phóng Điện Biên. Ảnh internet
Vâng, tiếng súng kháng chiến bùng nổ, đường chúng ta đã thật rõ ràng: Tất cả cho kháng chiến, tất cả  cho dân tộc, quyền làm người của chúng ta lại bị  xâm phạm một lần nữa. Cả dân tộc đứng dậy. Giới trí thức văn nghệ sĩ, kẻ cũ người mới, kẻ hướng này người hướng khác, tất cả cùng vây quanh ngọn cờ dân tộc, viết, vẽ, làm nhạc... những mong mỗi sáng tác của mình là mỗi viên đạn bắn vào đầu thù. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhớ lại: Lúc ấy, những câu văn đã nói lên tiếng gọi của hồn nước, những tấm tranh nhỏ in đơn sơ, ghi hình chiến sĩ mặc áo trấn thủ, hoặc tên thực dân bụng phệ, đã dán khắp các mảnh tường. Từ đồng bằng đến rừng núi đã nghe rộn rã những điệu ca ngợi những người anh hùng ngoài mặt trận và ở hậu phương. Báo tường, ca dao, kịch lửa trại lan tràn khắp nơi; một đường mạch văn nghệ mới được khơi ngay trong các hàng Vệ quốc quân... Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem lại cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đúc nên văn nghệ mới của chúng ta. (Nhận đường - Nguyễn Đình Thi).

Sau giai đoạn nhận đường, ý thức tư tưởng, ý thức bám sát cuộc sống, ý thức nghề nghiệp của văn nghệ sĩ đều được nâng cao. Lúc này, đi để viết là một nhu cầu, một niềm say mê, một sự thôi thúc trở thành thói quen, phong cách sống và nghề nghiệp của văn nghệ sĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã lên đường ngập ngũ, sống, chiến đấu và viết ở các chiến trường. Nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Diệu và một số văn nghệ sĩ khác theo bộ đội Nam tiến. Nhà thơ Vân Đài là chiến sĩ quân y, kiêm cấp dưỡng, vừa chăm sóc thương binh, vừa lo bữa ăn cho bộ đội. Nhà thơ Chế Lan Viên tham gia chiến dịch đường 9. Nguyễn Đình Thi vào hẵn bộ đội để sáng tác. Ông làm chính trị viên phó tiểu đoàn và liên tiếp tham gia các chiến dịch Hòa Bình (1952); Thượng Lào (1953) và Điện Biên Phủ (1954). Thôi Hữu bám sát từng bước chân, từng buổi sinh hoạt, từng trận đánh của các đơn vị phía bắc sông Đuống, rồi Lạng Sơn, Cao Bằng... Nguyễn Huy Tưởng đi theo đánh pháo binh rồi cùng Nam Cao đi chiến dịch Biên giới, vào khu bốn ở. Tô Hoài đi theo bộ đội chủ lực qua sông Thao, sang Trạm Tấu, lên Châu Quỳnh Nhai, vào Điện Biên... Tất cả họ đều mang theo những vốn quý bên mình đó là ý thức dân tộc, là Tổ quốc. Họ từ giã Thủ đô, thành phố ra đi hòa cái “tôi” vào cái “ta” chung nhiều ý nghĩa với ý thức công dân mạnh mẽ. Nhà thơ Tú Mỡ đã ghi lại ý nghĩ của mình trong bài “Tự thuật”: Kháng chiến bùng lên biệt Thủ đô; Lên đường dẻo bước khoác ba lô; Mang theo ý chí người dân Việt; Thà chết không làm vong quốc nô. Trong cuốn “Văn học Việt Nam 1945 - 1954” của Mã Giang Lân cũng có nhận định: Thơ trào phúng đánh địch, chủ yếu là thơ Tú Mỡ, sắc bén, kịp thời tấn công kẻ thù. Nó có vai trò tích cực trong đời sống kháng chiến. Ngoài ra, trong thơ ca, hình ảnh anh bộ đội thu hút nhiều bút mực. Với Tố Hữu, có “Cá nước”, “Lên Tây Bắc”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”...; Với Chính Hữu có “Đồng chí”, với Quang Dũng có “Tây Tiến”, rồi có còn “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Viếng bạn” của Hoàng Lộc... đó là hình ảnh những người chiến sĩ với “đôi bộ áo quần nâu”, vất vả thiếu thốn, bệnh tật mà “đánh giặc chay re”. Đặc biệt, tình đồng đội giữa các anh rất gắn bó, thân thiết. Đó là thứ tình cảm mới cùng chung một ý thức, một nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “Súng bên súng đầu sát bên đầu; Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ - Đồng chí”. Đặc biệt, trong thơ kháng chiến, thơ Hồ Chí Minh có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thơ Người là kết tinh của trí tuệ và thể hiện sâu sắc tâm hồn dân tộc: Hào hùng và lạc quan tin tưởng. Cuộc sống kháng chiến vào thơ Người vui tươi, ung dung thư thái cỉa một tâm hồn lớn sáng suốt chủ động vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hướng tới tương lai.

Riêng truyện và ký, hiện thực cuộc kháng chiến được miêu tả ở cả bề rộng và cả  những tính chất phong phú phức tạp của nó. Quả  thật, truyện trong những năm kháng chiến đã phát hiện ra vẻ đẹp của nhiều gương mặt bộ đội, cán bộ, người nông dân, công dân khắp nơi, trên mọi mặt trận. Nam Cao có “Đôi mắt”, “Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng”; Nguyễn Tuân có “Đường vui”; “Làng” của Kim Lân; “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi; “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng; hay “ Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ; “Chiến khu Thừa Thiên” của Lưu Trọng Lư...  Trong cuộc hành trình đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn đó biết bao dấu ấn khó phai mờ của đội ngũ văn nghệ sĩ. Chính nhờ những đóng góp đó của giới văn nghệ sĩ, mà cho đến bây giờ, nữa thế kỷ đã qua, nhưng dấu vết của Điện Biên một thời vẫn như hiển hiện trước mắt ta: “Trông: bốn mặt lũy hầm sụp đổ; Tướng quân bây lố nhố cờ hàng; Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng; Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”. Vâng, đó chính là những giây phút: “Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực; Tên đất nước như Huân chương trên ngực; Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”.

NGUYỄN VĂN THANH