Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển

02:06, 29/06/2011

Sự kết hợp của vị trí địa kinh tế rất thuận lợi với đường lối phát triển khai thác biển hợp lý trong những năm qua, Việt Nam đã và đang phát huy vị thế một quốc gia biển.

Việt Nam có diện tích hơn 330.000 km² bao gồm khoảng 327.480 km² đất liền và hơn 4.200 km² biển nội thủy, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xác định gần gấp ba lần diện tích đất liền khoảng trên 1 triệu km². 28 trong số 64 tỉnh/thành phố nước ta nằm ven biển, diện tích các huyện ven biển chiếm 17% tổng diện tích cả nước và là nơi sinh sống của hơn 1/5 dân số cả nước.

Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, đặc biệt trong đó Biển Đông đóng vai trò trọng yếu. Đây là một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có 9 quốc gia bao bọc: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Đây cũng là con đường chiến lược của giao thương quốc tế, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của hành tinh đi qua. Hàng năm, vận chuyển qua biển Đông là khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất của Nhật, và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Theo những nghiên cứu do Sở Môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippine, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.
 
 

Biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài cá giá trị kinh tế cao và hàng trăm loài được đưa vào sách đỏ VN và thế giới, 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài thân mềm, cho khai thác 45.000 - 50.000 tấn rong biển…

Bên cạnh ý nghĩa địa lý và sinh thái, Biển Đông còn có ý nghĩa kinh tế cực kỳ quan trọng. “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” xác định: …phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Từ chỗ sống nhờ vào biển, Việt Nam đã vươn mình lên làm chủ tài nguyên biển, đã biến mình thành một cường quốc mới về thủy sản trong khu vực. Ngành thủy sản cũng phục vụ cuộc sống cho hàng triệu đồng bào ngư dân từ Bắc chí Nam.
 
Khai thác dầu khí trên biển Đông.
Khai thác dầu khí trên biển Đông.

Nhắc đến khai thác tài nguyên biển còn phải kể đến khai thác dầu và khí đốt thuộc thềm lục địa lãnh thổ nước ta. Số liệu Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Tổng tiềm năng dầu khí tại các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Ma lay - Thổ Chu, Vùng Tư Chính - Vũng Mây… đã được xác định tiềm năng và trữ lượng đến thời điểm này là từ 0,9 đến 1,2 tỷ m3 dầu và từ 2.100 đến 2.800 tỷ m3 khí. Trữ lượng đã được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng khí đã được thẩm lượng, đang được khai thác và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3.

Có thể nói, sự kết hợp của vị trí địa kinh tế rất thuận lợi với đường lối phát triển khai thác biển hợp lý trong những năm qua, Việt Nam đã và đang phát huy vị thế một quốc gia biển, đảm bảo 1 nền kinh tế ổn định và thịnh vượng.
 
BN (tổng hợp)